Bấn loạn vì cúm H1N1

Dịch cúm: Gia đình bấn loạn, trường lo tài chính

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường dừng mọi hoạt động tập thể khiến nhiều phụ huynh đau đầu vì tiếp tục phải quản con cái.
Choang! Chị Tâm (Ba Đình, Hà Nội) giật mình quay lại đã thấy cậu con trai 4 tuổi mặt tái xanh, vừa nhìn chồng bát vỡ vừa lấm lét nhìn mẹ. Chưa kịp có phản ứng gì thì chị đã nghe tiếng khóc ré lên của cô con gái trong phòng ngủ. “Đến phát khùng lên vì con!”, chị Tâm rầu rĩ nói.

Vì vẫn đang nghỉ việc sau khi sinh cô con gái thứ hai nên ngay khi cúm A/H1N1 bắt đầu xâm nhập vào tòa nhà Viettel ở Hà Nội, chị đã cho cậu con trai nghỉ học ở nhà để trông luôn một thể. “Nhưng trông hai đứa cùng lúc, chẳng có tai mắt nào. Đứa nhỏ thì đang chập chững tập đi, phải theo sát từng bước. Đứa lớn thì nghịch quá”, chị Tâm chia sẻ.

Đúng lúc bà mẹ trẻ thấy quá sức, định cho con đi học như cũ thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công điện khẩn yêu cầu tất cả các trường dừng mọi hoạt động tập thể. “Thế là lại phải tiếp tục “chiến đấu”, chị Tâm ngao ngán nói.

Chị Bình (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng đau đầu không kém. Ngày hôm trước, bà giúp việc về quê thì ngày hôm sau, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, nơi cả hai đứa con chị theo học, phải nghỉ vì trường “hàng xóm” là Trung học phổ thông Lomonosov, có học sinh dương tính với cúm A/H1N1. Hai ngày đầu, chị phải cho con lẽo đẽo theo lên cơ quan. Vợ chồng bàn đi tính lại, tới ngày thứ 4 thì quyết định đưa ông bà ngoại lên trông cháu. Trong khi đó, bà giúp việc vẫn mất tăm.

Nhưng không phải ai cũng "vời" được ông bà như gia đình chị Bình. Với chị Minh (Thanh Trì, Hà Nội) thì những ngày này thực sự “gian nan”. “Bà nội thì già yếu, bà ngoại thì đang chăm ông nội ốm nằm viện. Con mới 14 tháng, tìm mãi mới có trường Mầm non tư thục Sơn ca nhận trông. Thế mà giờ lại nghỉ học. Từ hôm 7/8 đến nay, tôi phải xin nghỉ việc để ở nhà ôm con. Xin nghỉ nhiều cũng ngại, nhưng đành chịu”, chị Minh tâm sự.

Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh, đây cũng là dịp kiểm chứng cô chiêu, cậu ấm.

Sáng nay, 11/8, chị Mai vẫn thấy cô con gái chăm chỉ đạp xe đi học. Làm nghề buôn bán, bận túi bụi nên anh chị không có nhiều thời gian để ý đến con hay thông tin trên báo đài. Chỉ đến khi người khách mua hàng vô tình nói chuyện Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường nghỉ học từ ngày 7/8 chị mới ngớ người vì từ hôm đó đến nay, vẫn thấy con gái đi học đều đặn.

Mải móng tới trường Trung học phổ thông Yên Hòa, nơi con theo học, để “tận mục sở thị”, chị thấy cổng trường đóng im ỉm. Lòng vòng một hồi, dò hỏi bạn bè của con, chị Mai mới thấy cô con gái rượu đang say sưa nhảy Audition trong một quán game. Giận "sôi" người, nhưng vì đang ở chỗ đông người, chị vẫn phải nhẹ nhàng gọi con về. “Cũng… may mà có đợt nghỉ cúm, nếu không thì có lẽ tôi cũng chẳng biết con mình hư như thế”, chị Mai chia sẻ.

“Mặc dù việc học sinh nghỉ học có thể gây cho phụ huynh nhiều khó khăn nhưng đó chỉ là tạm thời và là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sức khỏe cho các em”, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.

Trong khi đó, tình hình dịch cúm ở Hà Nội ngày càng diễn biến phức tạp. Các cấp học từ tiểu học, trung học đến đại học đều đã có học sinh, sinh viên dương tính với cúm A/H1N1. Hiện đã có 5 trường có học sinh nhiễm cúm là trường Trung học phổ thông Lomonosov, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Nam Thành Công, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga đã khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo lường trước khả năng dịch cúm bùng phát và phải nghỉ học tạm thời. “Các nước tiên tiến như Singapore… có thể học qua mạng để kịp chương trình. Còn ở Việt Nam chưa có điều kiện để thực hiện điều này, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có sự chuẩn bị trước các tình huống”, ông Nga nói.

Tuy nhiên, do chưa chính thức vào năm học mới nên các trường không quá lo về vấn đề chương trình. Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: “Tháng 8 vẫn là chương trình học hè, chủ yếu các em sinh hoạt câu lạch bộ nên không lo bị ảnh hưởng về tiến độ học tập”.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lomonosov, trường đầu tiên có học sinh nhiễm cúm ở Hà Nội và cũng là trường đầu tiên phải tạm nghỉ học vì cúm, thì với khoảng thời gian nghỉ hiện nay (khoảng 2 tuần của tháng 8), vấn đề chương trình chưa đáng lo. “Do là trường dân lập, có điều kiện học 2 buổi/ngày nên chúng tôi hoàn toàn có thể đẩy kịp chương trình học”, ông Cường nói.

Khó khăn lớn nhất đối với các trường này có lẽ là vấn đề tài chính. “Với hơn 2.100 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, nghỉ học trong 2 tuần, trường không được thu khoản học phí 1 tỷ đồng. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải trả lương cho giáo viên”, ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường,  mỗi tháng, tổng số tiền lương trả cho giáo viên là 600 triệu đồng. Hai tuần nghỉ của tháng 8, khoản chi trả cho giáo viên là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, trường đang thương lượng với giáo viên cùng chia sẻ “rủi ro”. Theo đó, mức lương sẽ không được toàn bộ 100% mà giảm một phần. Ông Cường ước tính khoản trả cho giáo viên trong hai tuần nghỉ học này khoảng 200 triệu đồng.

Có số lượng học sinh đông hơn, khoảng 2.700 học sinh, mức học phí cũng cao hơn, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết riêng khoản học phí của trường được thu là gần 2 tỷ đồng. “Tuy bị “thất thu” nhưng nghỉ học là cần thiết vì sự an toàn của học sinh cũng như cộng đồng”, bà Hiền nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục