Điểm hẹn thiếu nhi “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui tết Trung thu”

“Thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ, những đồ chơi Trung Thu của trẻ con có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm, nhưng thực chất, mỗi hình tượng lại mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng.”
Điểm hẹn thiếu nhi “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui tết Trung thu” ảnh 1Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông qua dự án mỹ thuật “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui tết Trung thu,” các giảng viên và sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam sẽ hướng dẫn các em nhỏ tự tạo ra những chiếc mặt nạ Trung thu bằng giấy bồi.

Chương trình khai mạc vào sáng 13/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

“Thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ, những đồ chơi Trung thu của trẻ con có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm. Thế nhưng, thực chất, mỗi hình tượng lại mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng,” tiến sỹ Trang Thanh Hiền (Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ.

Những loại mặt nạ Trung thu truyền thống của Việt Nam gồm: mặt nạ ông Địa, mặt nạ thỏ ngọc, mặt nạ khỉ, trâu, lợn…

Mặt nạ ông Địa được làm với hình dáng tròn vo và sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ của đất đai. Bên cạnh đó, thỏ ngọc lại là hình ảnh tượng trưng cho sự đẹp đẽ, hài hòa hoặc ánh trăng sáng ngời đêm rằm. Hình tượng ông Địa no đủ, thỏ ngọc nhanh nhẹn thể hiện ước vọng về một mùa màng bội thu.

Trong khuôn khổ dự án, các diễn giả sẽ mang tới những câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa, điểm khác biệt... của các loại mặt nạ Trung thu truyền thống Việt Nam tại tọa đàm “Mặt nạ Trung thu ở Việt Nam và một số loại hình mặt nạ trên thế giới.”

Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ trưng bày và bán 20 mặt nạ do các họa sỹ nổi tiếng (Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Đỗ Hiệp...) sáng tạo nên. Số tiền thu được sẽ dùng để gây quỹ cho việc xây dựng lớp học, lập tủ sách ở trường Tiểu học Suối Ban (Phù Yên, Sơn La)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục