Diễn biến ở Trung Đông có đe dọa kế hoạch cắt giảm lãi suất của ECB?

Một mối quan ngại then chốt đối với triển vọng kinh tế của châu Âu là liệu giá dầu và năng lượng tăng có thể khiến ECB từ bỏ kế hoạch cắt giảm lãi suất trong thời gian tới hay không.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những diễn biến địa chính trị mới nhất ở Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn và những tác động kinh tế toàn cầu của nó.

Mối quan ngại chính đối với châu Âu là liệu giá năng lượng leo thang có thể ảnh hưởng đến việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất theo kế hoạch vào tháng Sáu tới hay không.

Chỉ chưa đầy một tuần sau các cuộc tấn công bằng đường không của Iran nhằm vào Israel, Israel đã đáp trả bằng cách tấn công một số mục tiêu quân sự ở Iran vào đêm 18/4 (giờ địa phương).

Cuộc tấn công được mô tả là "có giới hạn," không gây thiệt hại đáng kể và chưa có thương vong được báo cáo. Tuy nhiên, diễn biến này đã khiến các thị trường bất ngờ, đặc biệt là sau những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa tại Trung Đông.

Sau thông tin này, giá dầu và vàng tăng, trong khi các thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm vào phiên cuối tuần qua (19/4).

Diễn biến này khiến các nhà đầu tư suy ngẫm rằng liệu căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông, ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế toàn cầu hay không.

Một mối quan ngại then chốt đối với triển vọng kinh tế của châu Âu là liệu giá dầu và năng lượng tăng có thể khiến ECB từ bỏ kế hoạch cắt giảm lãi suất trong thời gian tới hay không.

Trong cuộc họp tháng 4/2024, ECB cho biết có khả năng ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sau tới.

ttxvn_2702_ECB.jpg
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuyên bố chính thức của ECB nêu rõ: "Nếu đánh giá cập nhật của chúng tôi về triển vọng lạm phát, động lực lạm phát cơ bản và sức mạnh của truyền tải chính sách tiền tệ có thể làm tăng thêm niềm tin của chúng tôi rằng lạm phát đang hướng về mức mục tiêu một cách bền vững, thì việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ sẽ là phù hợp." Thậm chí, một vài thành viên của ECB đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất trong tháng Tư.

Thống đốc Ngân hàng Bồ Đào Nha Mário Centeno tuyên bố rằng việc cắt giảm lần đầu tiên vào tháng 6/2024 là "rất có khả năng," đồng thời nói thêm rằng "ngay cả sau khi cắt giảm 0,25 điểm phần trăm hoặc 0,50 điểm phần trăm, chúng tôi vẫn sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt."

Đồng quan điểm với ông Centeno, Thống đốc Ngân hàng Italy Fabio Panetta cho biết "có khả năng vào tháng Sáu tới có thể có một số tin tức liên quan đến lãi suất, và rõ ràng là theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ."

Ngay cả Robert Holzmann, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo, người có giọng điệu "diều hâu" hơn cả trong số các thành viên của ECB, cũng thừa nhận khả năng có đa số ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024, phụ thuộc vào xu hướng lạm phát dự kiến và tình trạng địa chính trị ổn định.

Tuy nhiên, ông bày tỏ sự hoài nghi về việc cắt giảm lãi suất nhiều lần nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không điều chỉnh lãi suất trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục