Diễn biến tại Sri Lanka: Một tương lai kinh tế và chính trị ảm đạm?

Theo tiến sỹ Samatha Mallempati, sự ổn định có thể không trở lại Sri Lanka sớm với tình hình kinh tế, chính trị hiện tại và sự mất lòng tin của công chúng đối với những người đại diện của người dân.
Diễn biến tại Sri Lanka: Một tương lai kinh tế và chính trị ảm đạm? ảnh 1Người dân xếp những bình gas đã sử dụng trên một tuyến đường để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu và khí đốt ở Colombo, Sri Lanka, ngày 7/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế (ICWA) đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu, tiến sỹ Samatha Mallempati với nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế mà Sri Lanka đang phải đối mặt kể từ đầu năm nay lên đến đỉnh điểm khi người dân phản đối chính phủ trên quy mô lớn.

Trước sự thất bại của chính phủ, do đảng Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP) mà Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đứng đầu chiếm đa số, trong việc cứu trợ nhu yếu phẩm cơ bản như lương thực, thuốc men và nhiên liệu, hàng nghìn người biểu tình chiếm giữ tư dinh và văn phòng của Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka ngày 9/7.

Điều này buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức và rời khỏi đất nước, ngày 13/7 tới Maldives và sau đó đến Singapore. Ông từ chức sau khi đến Singapore ngày 14/7.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng đã được yêu cầu từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ lâm thời (chính phủ đa đảng). Hiện tại, ông Ranil Wickramasinghe giữ vai trò quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội Sri Lanka bầu ra Tổng thống mới trong tuần này, và ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 18/7.

Lý do cho các cuộc biểu tình công khai

Sri Lanka quay cuồng trong tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng. Việc không có sẵn các mặt hàng thiết yếu trong nhiều tháng dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được trong thị trường nội địa của Sri Lanka. Chính phủ cũng đóng cửa trường học và tất cả các hoạt động không thiết yếu khác.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), gần 6,3 triệu người Sri Lanka bị mất an ninh lương thực do khủng hoảng kinh tế trong một năm qua. Sau khi lệnh giới nghiêm được ban bố ngày 9/7, các cơ quan của Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ không làm trái ý muốn của công chúng.

Điều làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với chính phủ không chỉ là những khó khăn hàng ngày mà còn là việc ông Gotabaya Rajapaksa tiếp tục làm Tổng thống, bất chấp yêu cầu từ chức của nhiều người. Việc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa từ chức vào tháng 5/2022 và tất cả các Bộ trưởng khác thuộc gia đình Rajapaksa không ổn định được tình hình chính trị.

Việc bổ nhiệm ông Ranil Wickramasinghe làm Thủ tướng mà không có sự ủng hộ của các đảng đối lập cũng không giúp khôi phục sự ổn định chính trị. Mặc dù Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ nhiều lần kêu gọi trong vài tháng qua rằng ổn định chính trị là điều cần thiết để nhận được sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục.

Sự kiện ngày 9/7 cũng cho thấy công chúng mất niềm tin vào các đảng phái chính trị và đại diện công chúng vì không có khả năng giúp đất nước ra khỏi khủng hoảng. Phong trào Aragalaya (Đấu tranh), do những người Sri Lanka lãnh đạo, đã đóng một vai trò nòng cốt trong việc huy động sự nổi dậy của công chúng chống lại chính phủ.

Điều gì tiếp theo cho Sri Lanka?

Sau làn sóng phẫn nộ của dư luận, một cuộc họp đại diện của tất cả các đảng được tổ chức ngày 10/7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena. Cuộc họp các đảng đưa ra một vài đề xuất đồng thuận được đệ trình lên Tổng thống Gotabaya.

Các đề xuất này bao gồm: Tổng thống và Thủ tướng từ chức ngay lập tức; triệu tập Quốc hội trong vòng bảy ngày và bổ nhiệm quyền Tổng thống theo Hiến pháp; việc thành lập một chính phủ lâm thời do một Thủ tướng mới đứng đầu và kêu gọi một cuộc bầu cử trong một khoảng thời gian nhất định để tạo cơ hội cho mọi người bầu ra Quốc hội mới.

Trong cùng cuộc họp, Thủ tướng Ranil Wickramasinghe đưa ra đề xuất, để ông trở thành quyền Tổng thống sau khi Tổng thống Sri Lanka từ chức bị các đảng đối lập như Samagi Jana Balawegaya (SJB) và Janatha Vimukthi Peramuna (JVP) bác bỏ.

Kể từ khi Tổng thống gửi đơn từ chức lên Chủ tịch Quốc hội, các nghị sỹ Sri Lanka đang hy vọng bầu ra một Tổng thống mới ngày 20/7. Có ba ứng cử viên trong cuộc đua để trở thành Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka, ông Dullas Alahapperuma của đảng Tự do Sri Lanka (SLFP), ông Anura Kumara Dissanayake của đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) và ông Ranil Wickramasinghe của đảng Quốc gia Thống nhất (UNP).

Mặc dù Tổng thống do Quốc hội bầu nhưng thành phần của Quốc hội hiện tại có thể không đại diện cho mong muốn của người dân. Hiện tại có 15 đảng chính trị đại diện cho 225 thành viên của Quốc hội Sri Lanka. Đảng SLPP cầm quyền giành được 145 thành viên, phe đối lập chính SJB có 54 thành viên và đảng chính trị Tamil ITAK có 10 thành viên trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2019.

Đảng SLPP cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội. Các cuộc bầu cử Quốc hội để bầu ra một chính phủ mới chỉ có thể được tổ chức sau tháng 9/2022 sau khi Quốc hội hiện tại hoàn thành nhiệm kỳ hai năm rưỡi theo Hiến pháp.

Ngay cả khi một chính phủ mới được thành lập với sự giúp đỡ của các nghị sĩ đại diện cho các đảng phái chính trị khác nhau hoặc đại diện xã hội dân sự, các vấn đề của Sri Lanka vẫn chưa kết thúc. Tập trung quyền lực, thiếu minh bạch trong cơ quan tư pháp, thể chế hóa tham nhũng và không giải quyết các vấn đề thực sự về hòa giải và trách nhiệm giải trình trong xã hội thời hậu chiến dưới thời chính quyền của ông Rajapaksa lãnh đạo dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sri Lanka.

Hai năm rưỡi dưới thời của ông Rajapaksa đã thu hút được sự chú ý đáng kể của quốc tế do các quyết định chính sách kinh tế và chính trị khác nhau. Một là rút khỏi Nghị quyết Hòa giải năm 2015 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) tại Sri Lanka, vốn kêu gọi trách nhiệm giải trình đối với các vi phạm nhân quyền. Điều này thực sự có nghĩa là Chính phủ Sri Lanka không còn cần phải đưa ra các biện pháp hòa giải và trách nhiệm giải trình cần thiết để giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng thiểu số Tamil ở Sri Lanka.

Việc bổ nhiệm một số lượng đáng kể sỹ quan quân đội vào các vị trí trong cơ quan hành chính công thường do dân thường nắm giữ cũng bị chỉ trích là một động thái hướng tới quân sự hóa khu vực công. Một số biện pháp này đã khiến các đảng đối lập và cộng đồng thiểu số xa rời chính phủ.

Liên minh Quốc gia Tamil (TNA) đã cố gắng khuyến khích cộng đồng người Tamil trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, chuyển tiền bằng USD và euro mang về ngoại hối cho Sri Lanka. Tuy nhiên, cộng đồng Tamil muốn giúp đỡ Sri Lanka chỉ khi có động thái tích cực liên quan đến vấn đề sắc tộc bởi vì họ tin rằng lý do chính của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại ở Sri Lanka là vấn đề sắc tộc chưa được giải quyết và việc chính phủ chi tiêu nguồn lực để tiến hành một cuộc chiến lâu dài.

[Sri Lanka chật vật tìm cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế]

Theo quan điểm phổ biến, chế độ gia đình trị đã thể chế hóa tham nhũng trong chính quyền của ông Rajapaksa. Ngày 15/7, Tòa án Tối cao (SC) của Sri Lanka, đã cấm cả ông Mahinda Rajapaksa, cựu Thủ tướng và ông Basil Rajapaksa, cựu Bộ trưởng Tài chính rời khỏi đất nước, sau khi một bản kiến nghị về quyền cơ bản được đệ trình lên SC nhằm tìm kiếm một cuộc điều tra các cá nhân chịu trách nhiệm về khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Sri Lanka vỡ nợ với khoản nợ gần 51 tỷ USD. Sri Lanka đang dựa vào gói cứu trợ của IMF. Người phát ngôn của IMF cho biết họ đang chờ tình hình chính trị ổn định để nối lại các cuộc đàm phán về chương trình do IMF hỗ trợ, các điều kiện thường được áp dụng cho các chương trình điều chỉnh cơ cấu của IMF.

Theo Bộ Nguồn lực Đối ngoại Sri Lanka, gần 67% trong số đó là các khoản vay từ thị trường và các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Chính phủ Sri Lanka cũng đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị các nhà tài trợ liên quan đến các nhà tài trợ song phương như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản và muốn thành lập một tổ hợp viện trợ để nhận hỗ trợ vốn vay từ các nước tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế. Vẫn còn phải xem liệu ý tưởng này có thành hiện thực hay không. Trong kịch bản này, giải quyết các vấn đề nợ nần và tham nhũng cùng với giải quyết các nhu cầu tức thời của người dân Sri Lanka sẽ là một thách thức đối với chính phủ mới.

Phản ứng quốc tế

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, thách thức kép mà Sri Lanka đang chứng kiến hiện nay là chưa từng có trong lịch sử Sri Lanka. Mối quan tâm cơ bản của cộng đồng quốc tế là duy trì hòa bình ở Sri Lanka và quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ.

Trong bối cảnh khủng hoảng, Ấn Độ là đối tác đáng tin cậy của Sri Lanka. Cách tiếp cận tổng thể của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka dựa trên hai mối quan tâm chính: giải quyết những khó khăn kinh tế mà người dân phải đối mặt và thứ hai là hỗ trợ quá trình chuyển đổi quyền lực một cách dân chủ.

Ấn Độ mở rộng hỗ trợ nhân đạo và tài chính đáng kể cho Sri Lanka trong một năm qua. Nước này đã tăng cường hỗ trợ ở mức tối đa cho Sri Lanka. Riêng năm nay, Ấn Độ viện trợ 3,8 tỷ USD thông qua hoán đổi tiền tệ, tài trợ lương thực, nhiên liệu, thuốc men và thông qua cung cấp phân bón. Tuyên bố do Ấn Độ đưa ra sau diễn biến ngày 9/7 rằng Ấn Độ “sát cánh cùng người dân Sri Lanka khi họ tìm cách hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng và tiến bộ thông qua các phương tiện và giá trị dân chủ, các thể chế được thiết lập và khuôn khổ hiến pháp”. Đây là nội dung chính sách của Ấn Độ đối với quốc đảo và lập trường của quốc gia này đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Diễn biến tại Sri Lanka: Một tương lai kinh tế và chính trị ảm đạm? ảnh 2Học sinh tại một trường học ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ, nước đã công bố khoản 11,75 triệu USD tháng 6/2022 để hỗ trợ Sri Lanka trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị đạt được một quá trình chuyển đổi quyền lực một cách dân chủ hòa bình. Trung Quốc, quốc gia chiếm 10% khoản nợ của Sri Lanka, đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp 500 triệu NDT (74,13 triệu USD). Sri Lanka cũng đang cố gắng đàm phán khoản viện trợ 4 tỷ USD với Trung Quốc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã quy trách nhiệm cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Sri Lanka vì nước này gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng lương thực.

Mỹ cũng chỉ ra mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng lương thực do xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng Sri Lanka. Ông Gotabaya Rajapaksa ngày 6/7 đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và yêu cầu cấp tín dụng nhập khẩu nhiên liệu.

Sự ổn định có thể không trở lại Sri Lanka sớm với tình hình kinh tế, chính trị hiện tại và sự mất lòng tin của công chúng đối với những người đại diện của người dân. Một Ủy ban bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Lực lượng cảnh sát và An ninh được Quyền Tổng thống bổ nhiệm để khôi phục lại bình thường và luật pháp và trật tự. Nhưng điều này có thể không giúp dập tắt các cuộc biểu tình của người dân. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã kêu gọi mọi người duy trì sự kiềm chế và cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài nếu bạo lực nổ ra.

Cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc của Sri Lanka, không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Chính phủ sắp tới của Sri Lanka sẽ phải làm việc chăm chỉ để đảm bảo cả nhu cầu trước mắt của người dân Sri Lanka và các giải pháp lâu dài để vực dậy nền kinh tế. Hiện tại, cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đã làm mờ các ranh giới chính trị và văn hóa, vốn là một sự phát triển có phần tích cực ở một đất nước bị chia cắt rõ ràng trong một thời gian dài trên cùng một chiến tuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục