Điện Biên và 6 tỉnh Bắc Lào ký hợp tác công thương

Sở Công thương tỉnh Điện Biên và sáu tỉnh Bắc Lào tổ chức ký kết biên bản hợp tác phát triển Công thương giai đoạn 2013- 2015.
Ngày 16/9, Sở Công thương tỉnh Điện Biên và sáu tỉnh Bắc Lào tổ chức đánh giá kết quả thực hiện biên bản hợp tác phát triển Công thương giai đoạn 2011- 2013 và ký kết biên bản hợp tác phát triển Công thương giai đoạn 2013- 2015.

Đến tham dự Lễ ký kết có đại diện lãnh đạo Sở Công thương sáu tỉnh Bắc Lào là Luang Prabang, Phoong Sa Ly, U Đôm Xay, Bò Kẹo, Luông Nậm Thà và Xay Nha Bu Ly.

Tại buổi làm việc, ngành Công thương tỉnh Điện Biên và sáu tỉnh Bắc Lào đã đánh giá kết quả thực hiện biên bản hợp tác phát triển Công thương giai đoạn 2011- 2013; thông qua các giải pháp tăng cường đẩy mạnh các mặt hàng xuất nhập khẩu hai bên cùng có lợi thế để đạt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới; đàm phán về tăng cường thông tin các cơ chế, chính sách của mỗi bên, cùng tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, mậu dịch biên giới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công thương Điện Biên đánh giá hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian qua đã được tăng cường trên tất cả các mặt, hoạt động xúc tiến ngày càng rõ nét và hiệu quả. Cụ thể từ năm 2011 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào đã đạt 50 triệu USD, số lượng người xuất nhập cảnh trên 176 ngàn lượt.

Qua các hoạt động hợp tác, một số công ty, doanh nghiệp Điện Biên được phép hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh Bắc Lào như Nhà máy Xi măng Điện Biên, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại Hưng Hải, Công ty hợp tác Quốc tế 705... tại tỉnh Phoong Sa Ly, Công ty Vĩnh Phát hợp tác thăm dò khoáng sản tại tỉnh U Đôm Xay... Hiện tại, trong toàn tỉnh Phoong Sa Ly đã có tới 74 doanh nghiệp của Điện Biên đang tiến hành kinh doanh và đầu tư vào 11 danh mục. Các nội dung hợp tác phát triển Công thương đã ký với các tỉnh Bắc Lào đã được triển khai đầy đủ, các bên đã tích cực tổ chức thực hiện và có bước phát triển.

Lãnh đạo ngành Công thương các tỉnh Bắc Lào cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ông Bun Thăn Văn Na Chay, Giám đốc Sở Công thương tỉnh U Đôm Xay đánh giá, hai bên đã đạt được những kết quả nổi bật trong tất cả các lĩnh vực. Hiện tại, đã có 7 doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư trên địa bàn tỉnh U Đôm Xay với tổng đầu tư trên 7 triệu USD. U Đôm Xay cũng đã tạo điều kiện cho Công ty Cao su Điện Biên đầu tư tại 2 huyện với số vốn trên 5 triệu USD, đến nay đã trồng 550 ha cao su. Đồng thời đã cấp phép cho 10 doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên hoạt động. Tỉnh Điện Biên cũng đã đầu tư kinh phí, hỗ trợ tỉnh U Đôm Xay xây dựng một số công trình phúc lợi như Bảo tàng, Ký túc xá, trường học tại một số địa phương của tỉnh...

Sở Công thương Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào đã thống nhất triển khai hợp tác các nội dung về thương mại xuất nhập khẩu hàng hoá, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, hợp tác phát triển thương mại biên giới và hướng dẫn các chính sách của Nhà nước hai bên.

Hai bên nhất trí triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện nội dung đã ký kết gồm: Chủ động phối hợp triển khai thực hiện các nội dung biên bản hội đàm, biên bản hợp tác đã ký kết giữa Chính phủ, các Bộ hai nước và giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý với các cơ quan có liên quan; phối hợp tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam- Lào đến năm 2020, trong đó thực hiện giai đoạn đầu tư xây dựng bắt đầu từ năm 2014; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất như cửa hàng, quầy hàng tại khu vực biên giới; phối hợp trong công tác quản lý thị trường nhằm hạn chế việc buôn lậu và gian lận thương mại...

Ngành Công thương tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào cũng đã thống nhất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các tỉnh của hai nước ưu tiên nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ ở hạ tầng thương mại biên giới.

Đặc biệt là tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, đến các xã biên giới, trong đó tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng, hoàn thành cơ sở hạ tầng khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Tây Trang- Pang Hốc, cửa khẩu Huổi Puốc- Na Son, xây dựng các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ vùng sâu, vùng xa... nhằm sớm đưa các dự án vào sử dụng, phục vụ hoạt động giao thương biên giới./.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục