Điện gió ngoài khơi: Nhiều triển vọng nhờ thuận lợi tiếp cận vốn

Các chuyên gia cho rằng điện gió ngoài khơi, với sự thuận lợi trong huy động vốn và công nghệ phát triển, có thể sẽ là nguồn năng lượng giúp thay thế phần nào thiếu hụt cho điện than.
Điện gió ngoài khơi: Nhiều triển vọng nhờ thuận lợi tiếp cận vốn ảnh 1Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Nhiệt điện than dù có nhiều thuận lợi trong vận hành, ổn định… nhưng có nhiều ý kiến đánh giá sẽ khó huy động vốn, kèm theo rủi ro về tiến độ.

Các chuyên gia cho rằng điện gió ngoài khơi với sự thuận lợi trong huy động vốn, công nghệ phát triển có thể sẽ là nguồn năng lượng giúp thay thế phần nào thiếu hụt cho điện than.

Chấm dứt kỷ nguyên vốn cho điện than

Trao đổi với báo chí về đầu tư tài chính trong lĩnh vực năng lượng chiều 11/10, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC) cho biết các nhà máy điện than trên thế giới đang được nhìn nhận lại về tính hiệu quả và chi phí. Các nước trên thế giới và tổ chức tài chính phần lớn đã có tuyên bố dừng đầu tư với điện than.

“19 GW các dự án điện than không huy động được tài chính; trong đó 8,6 GW sẽ cần triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2030. Với tình hình hiện nay, nguồn vốn cho điện than sẽ được huy động từ đâu? Nếu điện than không huy động được tài chính, công nghệ nào sẽ bù cho lượng công suất trên,” ông Mark Hutchinson nói.

[Hơn 274 MW điện gió đã được công nhận vận hành thương mại]

Như vậy, "kỷ nguyên" xây dựng dự án điện than dựa vào nguồn vốn nước ngoài đã chấm dứt. Cho nên muốn huy động vốn thì chỉ còn cách dựa vào ngân hàng trong nước, hoặc Chính phủ thực hiện đầu tư công để thực hiện các dự án điện than mới, ông Mark Hutchinson nói.

Trong giai đoạn 2015-2021 vừa qua, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là các “chủ nợ” lớn nhất của các dự án điện than tại Việt Nam. Tuy nhiên, cả 3 quốc gia này đều đã đưa ra cam kết dừng đầu tư điện than.

Các tổ chức tín dụng trong nước cũng có những điều kiện nhất định khi cho vay điện than; các vấn đề chính như thiếu nguồn vốn dài hạn, lãi suất cao và hạn mức cho vay với một đối tượng...

Do đó, nếu tiếp tục dựa vào điện than, Việt Nam sẽ có thể gặp nhiều rủi ro về an ninh năng lượng.

Trước thực trạng nhà đầu tư điện than khó thu xếp vốn, ông Mark Hutchinson cho rằng nhà đầu tư ở Việt Nam cần phải chấp nhận thực tế mới, đó là cần phải đưa ra kế hoạch sống chung với việc "không có dự án điện than mới được xây dựng, trừ những dự án đã hoàn thành việc huy động vốn."

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc cũng là bài học về chuyện cần đa dạng hoá nguồn điện, tránh trường hợp một nguồn chiếm tỷ trọng quá lớn, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng. Cần đa dạng hóa các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện Mặt Trời, thủy điện... Đồng thời tăng cường hệ thống pin tích trữ năng lượng.

"Trong thời điểm hiện tại, công nghệ pin tích trữ năng lượng chủ yếu dựa vào pin lithium, nhưng trong tương lai có thể sử dụng pin lưu trữ hydro với công nghệ tốt hơn, hiện đại hơn," ông Mark Hutchinson nói.

Từ góc nhìn của tổ chức tín dụng, ông Pattrick R. Jakobsen, Giám đốc thẩm định tín dụng, Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF), cho hay hiện nay thu xếp tài chính cho điện than hiện đang trở thành điều cấm kỵ cho các tổ chức tài chính, nên sẽ khó có tổ chức tài chính nào cung cấp cho các dự án điện than mới. Các quốc gia đang đưa ra những quy định chống cung cấp tài chính cho điện than, như Trung Quốc và Vương quốc Anh là những ví dụ điển hình.

Có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham gia liên minh cung cấp điện không dùng than; trong đó, 1.600 GW công suất than theo kế hoạch đã bị hủy bỏ hoặc gác lại trong nhiều năm qua. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đứng đầu danh sách các nước hủy bỏ, tạm dừng điện than.

“Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề, cần đưa ra sự lựa chọn. Nếu tiếp tục với điện than, sẽ rất khó thu xếp tài chính. Thứ 2 là tiếp tục đẩy mạnh năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Nếu Việt Nam quyết định đi theo con đường này thì có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài chính trên thế giới,” ông Pattrick R. Jakobsen nói.

Kỳ vọng 10GW điện gió

Thông tin từ GWEC cho hay điện gió ngoài khơi được nhận định có thể mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và giúp cân bằng thương mại thông qua giảm nhập khẩu than và khí đốt.

Ngoài ra, điện gió ngoài khơi có khả năng chạy phụ tải nền, có tính đoán định cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sạch khác, đồng thời hỗ trợ an ninh năng lượng.

Điện gió ngoài khơi: Nhiều triển vọng nhờ thuận lợi tiếp cận vốn ảnh 2Toàn cảnh dự án điện gió Nam Bình 1 ở Đắk Song, Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ông Mark Hutchinson cho rằng điện gió ngoài khơi có hệ số công suất cao nhất trong các nguồn điện tái tạo biến đổi, ngang với các nhà máy điện khí tốt nhất. Hệ số công suất điện gió ngoài khơi như ở Anh vào khoảng 55%. Đây là hệ số hấp dẫn khi các đơn vị tài chính quyết định đầu tư và có thể chạy nền trong tương lai.

Điện gió ngoài khơi Việt Nam được kỳ vọng có thể đạt 10 GW vào năm 2030. Cùng với đó, chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Dự kiến trong 5 năm tới, chi phí sẽ giảm thêm 30%.

Do vậy, theo ông Mark Hutchinson: “Những hỗ trợ ban đầu cho điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để cho ngành có thể gảim mạnh giá thành sản xuất và trở nên cạnh tranh về giá. Điện gió ngoài khơi nên có một mục tiêu tham vọng ở mức 10 GW như các đề xuất. Điều này là hoàn toàn khả thi và nguồn vốn cho mục tiêu này đã có sẵn từ các tổ chức. Nếu thiếu đi mục tiêu này, các ưu đãi sẽ không đủ sức hấp dẫn để thuyết phục các nhà đầu tư đưa ra quyết định tại Việt Nam.”

Theo tính toán từ GWEC, với 4-5 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam sẽ cần được đầu tư 10-12 tỷ USD.

Tuy nhiên, với lợi thế điện gió ngoài khơi là nguồn tài nguyên vô tận, sau khi xây dựng không cần bỏ chi phí để nhập khẩu nhiên liệu như điện than, khí…, điều này sẽ giúp giảm 650-800 triệu USD tiền nhiên liệu nhập khẩu, cân bằng thương mại.

Ông Pattrick R. Jakobsen cho biết Việt Nam được nhận định có nguồn tài nguyên gió lớn nhưng việc thiếu cơ chế ở Việt Nam sẽ khiến nguồn tài chính gặp nhiều hạn chế. Nếu có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nguồn tài chính cung cấp cho năng lượng tái tạo mà trong đó có điện gió sẽ trở nên dồi dào. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam lựa chọn năng lượng xanh, chuyển sang giai đoạn năng lượng sạch hay tiếp tục với điện than./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục