Điện lực TP Hồ Chí Minh loay hoay với quá tải

Tuy bình quân điện phẩm trên đầu người ở TP. HCM cao gấp 3 lần cả nước nhưng cơ sở vật chất của ngành điện hiện chưa phát triển tương xứng.
 
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng, Tiến sĩ Phạm Khánh Toàn,  bình quân điện thương phẩm trên đầu người của Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 1.800kWh/năm, cao gần gấp 3 lần so với bình quân đầu người cả nước và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của ngành điện thành phố hiện chưa phát triển tương xứng, chưa đáp ứng sự phát triển kinh tế của thành phố trong tương lai.

Trạm và đường dây đều quá tải

Thành phố Hồ Chí Minh nhận điện từ các nhà máy điện thuộc hệ thống điện quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ. Năm 2008, nguồn điện cung cấp cho phụ tải điện của Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 13 tỷ kWh.

Theo khảo sát của ngành điện lực, các đường dây cao áp và những trạm nguồn hiện đã đầy và quá tải…

Thống kê đường dây 220kV trên địa bàn thành phố cho thấy, hầu hết các đường dây đều quá tải ở mức trên 50%, cá biệt hệ thống đường dây Phú Lâm - Cai Lậy quá tải hơn 130%, Phú Lâm - Hóc Môn quá tải gần 120%...

Theo nhận xét của tiến sĩ Phạm Khánh Toàn, trạm 500kV Phú Lâm đang đầy tải, đường dây từ trạm đến nhiều khu vực thiết kế chỉ 1 mạch nên khi sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện. Lưới điện 500kV hiện mang tải ở mức trung bình chỉ đủ khả năng tải trong chế độ bình thường. Do lưới điện đã có những đường dây, trạm quá tải nên việc cắt điện khi xảy ra sự cố là điều không thể tránh khỏi.

Trong nỗ lực cải thiện việc cung cấp điện, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư kinh phí thực hiện cải tạo nguồn và lưới điện giai đoạn 2001 - 2010. Tuy nhiên đến nay tiến độ thực hiện chỉ đạt hơn 50%.

"Điều đáng lo là đang có tình trạng mất cân đối. Cụ thể trạm phân phối xây dựng quá nhiều mà việc phát triển đường dây không tương xứng dễ dẫn đến sự cố khi vận hành", Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - ông Nguyễn Văn Phúc, lo lắng.

Nguyên nhân chậm tiến độ cải tạo nguồn và lưới điện, theo ngành điện thành phố lý giải, là do thời điểm năm 2006 trượt giá quá lớn và ngành phải mất 2 năm mới điều chỉnh xong; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chậm giao vốn…

Đâu là giải pháp?

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn đến năm 2015. Theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo lưới điện dự kiến hơn 35.707 tỷ đồng, trong đó gần 25% vốn đã cóá trong kế hoạch.

Về nguồn vốn bổ sung, ông Nguyễn Văn Lai - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Chúng tôi sẽ có cơ chế huy động vốn phù hợp. Cụ thể sẽ phân cấp đầu tư từng hạng mục với từng đối tượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư phân nguồn, lưới điện 220kV, 110kV; các nhà đầu tư ngoài ngành đầu tư các hạng mục lưới cao thế 110kV cho mục đích chuyên dùng; điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư lưới điện trung áp và công tơ...".

Nhìn xa hơn, Viện Năng lượng đang ấp ủ những dự án phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Toàn, giải pháp cần phải tính đến trong việc khắc phục sự quá tải cho ngành điện mà ít gây ô nhiễm môi trường là áp dụng những công nghệ sử dụng dạng năng lượng tái tạo. "Mục tiêu chúng tôi nhắm đến là phát triển nguồn điện tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học, khí bãi rác… đáp ứng ban đầu khoảng 3 - 5% sản lượng điện hàng năm của thành phố, ông Toàn cho biết.

Cùng những giải pháp phát triển nguồn và lưới điện, giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay, theo nhiều chuyên gia vẫn là ý thức tự giác tiết kiệm điện của doanh nghiệp, người dân.

Theo khảo sát của ngành điện, hiệu suất tiêu hao năng lượng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp thường cao hơn từ 2,4 - 3,6 lần so với các nước trong khu vực. Trong dân sinh, con số lãng phí chưa thống kê được, nhưng vẫn cao do người dân chưa có ý thức tiết kiệm điện, sử dụng thiết bị tốn nhiều điện năng…

"Kinh nghiệm ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) khi thực hiện một số hạng mục đơn giản như cải tạo, sửa chữa lò nung, thay hệ thống vòi đốt, gạch cách nhiệt... đã giúp doanh nghiệp giảm 25 - 30% mức tiêu thụ năng lượng, giảm 30% chi phí sản xuất. Tuy nhiên, những doanh nghiệp ý thức được như vậy hiện chưa nhiều", ông Lai cho biết./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục