Điều chắc hẳn lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang nghĩ...

Bà Jane Harma, thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cảnh báo về một nước Mỹ dễ bị tổn thương và đang đứng trước mối đe dọa từ những "kẻ thù" có các lợi ích trái ngược với Mỹ.
Điều chắc hẳn lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang nghĩ... ảnh 1Trụ sở Lầu Năm góc tại Washington, DC, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com vừa đăng bài viết của bà Jane Harman, Chủ tịch Trung tâm các học giả quốc tế Woodrow Wilson, cựu nghị sỹ đảng Dân chủ bang California và từng là thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, trong đó tác giả cảnh báo về một nước Mỹ dễ bị tổn thương và đang đứng trước mối đe dọa từ những "kẻ thù" có các lợi ích trái ngược với Mỹ.

Nội dung bài viết như sau:

Trong bối cảnh đời sống chính trị ở Washington có nhiều hỗn loạn, mọi con mắt đều đổ dồn vào Bộ trưởng Tư pháp William Barr, các bản trích dẫn báo cáo điều tra dài hơn 400 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, và tất cả những điều này có thể có ý nghĩa đối với Tổng thống Trump.

Nhưng có một thế giới rộng lớn ngoài kia, và các nhà lãnh đạo thế giới khác đang dùng thời điểm này để mưu tính các chiến lược mới và thúc đẩy những lợi ích của họ.

Bộ phim tài liệu (Fahrenheit) 11/9 là tiếng chuông báo thức thời điểm chúng ta (nước Mỹ) nên nhận ra rằng chúng ta dễ bị tổn thương, và kẻ thù của chúng ta tìm kiếm những lợi thế đối nghịch. Chúng tấn công vào những nơi và những thời điểm mà chúng ta yếu nhất.

Phải, đây là một cơ hội đối nghịch khác. Trong khi các nhà lãnh đạo độc tài trên toàn cầu tập trung quyền lực của họ, chính phủ Mỹ bị tê liệt.

Tầng lớp chính trị ở Washington hoàn toàn bị cuốn vào "cuốn phim" Mueller. Thượng tầng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ không có người lãnh đạo. Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan vẫn trong tình trạng "tạm nắm quyền" và đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng về cáo buộc thiên vị đối với công ty cũ của mình là Tập đoàn Boeing trong khi ông đang ngồi ở Lầu Năm Góc.

Trong khi đó, có lẽ vắng mặt trong các bản tin tuần qua là một nỗ lực đáng khen ngợi của Quốc hội nhằm đánh bật chính quyền và thực thi quyền lực của mình về chính sách đối ngoại.

Với sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, Quốc hội đã thông qua một dự luật nhằm cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Saudi Arabia trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Yemen, mặc dù sau đó bị Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết.

[Nga và Trung Quốc liệu có đang ''qua mặt'' nước Mỹ?]

Điều an ủi duy nhất trong lúc này là Quốc hội đang nỗ lực nhiều hơn để khẳng định vai trò hiến pháp của mình. Nhưng hiện tại, chính quyền tiếp tục bảo vệ các nhà lãnh đạo hẹp hòi như Thái tử Saudi Arabia Mohammad Bin Salman, bất chấp sự dính líu, mà không bị trừng phạt, của nhân vật này trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, và nhà lãnh đạo độc tài của Ai Cập Abdel Fattah Sisi, người có thể sẽ tiếp tục giữ chiếc ghế Tổng thống về lâu dài nhờ một sự sửa đổi hiến pháp được đề xuất.

Khi tất cả những sự kiện này diễn ra, nhiều nhà lãnh đạo có dấu hiệu nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm lợi ích đối nghịch với Mỹ.

Sau hai "cuộc gặp thân tình" giữa Tổng thống Trump và Kim Jong-un, Triều Tiên kể từ đó đã yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo đứng ngoài các cuộc đàm phán trong tương lai và khoe khoang về việc thử một tên lửa chiến thuật mới, được một nhà bình luận đặt cho cái tên là "vũ khí gây bối rối hàng loạt" đối với Tổng thống Trump.

Thêm nữa, Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định gặp nhau trong tháng này. Cuộc gặp đó có thể dễ dàng trở thành một tín hiệu chung nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như một thỏa thuận vũ khí, trong đó vũ khí của Nga vi phạm Hiệp ước INF - điều đang bị chính quyền Mỹ phản đối, trở thành một phần của thỏa thuận cùng nghiên cứu và phát triển đầy nguy hiểm.

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang trì hoãn vòng đàm phán thương mại khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và một cuộc gặp thượng đỉnh để ký thỏa thuận thương mại cuối cùng vẫn chưa được lên kế hoạch.

Trong khi tình cảm của châu Âu đối với các chính sách thương mại của Trung Quốc có thể bị đóng băng, Italy mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

Khi Mỹ tập trung vào các vấn đề đối nội, mô hình thay thế của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với phần còn lại của thế giới.

Tập Cận Bình có thể cảm thấy được trao quyền để phản công thay vì điều chỉnh chính sách của mình.

Những cá nhân và các tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đang theo dõi tình hình hiện tại ở Mỹ.

Xét cho cùng, chủ nghĩa khủng bố vẫn được duy trì bởi một câu chuyện bị bóp méo, trong đó vẽ ra khái niệm là phương Tây đồi bại và hỗn loạn.

Mặc dù vùng lãnh thổ của cái gọi là Vương quốc Hồi giáo (caliphate) đã bị thu hẹp đáng kể, nhưng chúng ta vẫn chưa dẹp bỏ được những ý tưởng nguy hiểm thúc đẩy sự trỗi dậy của chúng.

Trong trường hợp không có thứ mà Ronald Reagan gọi là "thành phố tỏa sáng trên đồi", những kẻ bị đặt ngoài vòng pháp luật sẽ tiếp tục theo đuổi những cơ hội ít được ngờ tới nhất.

Có lẽ có 2 phép ẩn dụ trái ngược nhau cho những gì thế giới đang chứng kiến. Một là vụ hỏa hoạn thảm khốc tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Không ai dự đoán điều đó, và công tác phòng cháy chữa cháy trong nhà thờ có ý nghĩa biểu tượng này không hề tồn tại.

May mắn là, cấu trúc bên ngoài của nhà thờ vẫn còn, hầu hết các cổ vật đều an toàn, và nỗ lực phục dựng có thể là một cơ hội để mang mọi người trên khắp thế giới lại với nhau và chữa lành những mối quan hệ bị sứt mẻ đang gây dịch bệnh cho các xã hội của chúng ta.

Phép ẩn dụ còn lại là một hố đen, mà nhân loại đã thoáng nhìn thấy trong những bức ảnh tuyệt đẹp vừa được công bố hồi tuần trước.

Như những dấu tích ảm đạm của một ngôi sao đã tắt, một hố đen hút tất cả mọi thứ. Không có ánh sáng nào thoát ra khỏi một cơn lốc như vậy.

Không cần nói phép ẩn dụ nào chính xác hơn. Liệu chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong cơn lốc của đời sống chính trị Mỹ? Hay chúng ta đang để mắt đến thế giới bên ngoài, vì thế giới bên ngoài để ý đến chúng ta? Tôi đang bối rối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục