Điều gì đẩy căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang?

Bất đồng về lao động thời chiến đã lan sang thành một cuộc tranh cãi gay gắt về thương mại khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu ba loại vật liệu sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện thoại.
Điều gì đẩy căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang? ảnh 1Quan chức cấp cao Bộ Thương mại Hàn Quốc (bên phải) trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên với những người đồng nhiệm Nhật Bản về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu đối với ba mặt hàng nguyên liệu công nghệ cao sang Seoul, tại Tokyo ngày 12/7/2019. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo Trang mạng scmp.com, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã ở mức thấp nhất trong những tuần qua do bất đồng về lao động thời chiến đã lan sang thành một cuộc tranh cãi gay gắt về thương mại.

Căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa kết thúc đã khiến giới chuyên gia kinh tế cảnh báo về sự đổ vỡ và gián đoạn của các chuỗi cung cấp công nghệ đồng thời gây ra những hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế toàn cầu.

Vì sao tranh cãi thương mại bùng nổ?

Căng thẳng giữa hai nước leo thang nhanh chóng khi Nhật Bản hôm 4/7 tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu ba loại vật liệu sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình của điện thoại thông minh do Hàn Quốc sản xuất.

Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cáo buộc Tokyo trả đũa các phán quyết của tòa yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Nhật Bản khẳng định mọi đòi hỏi phát sinh từ thời kỳ thuộc địa đã được giải quyết bằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước được ký vào năm 1965 trong đó Tokyo đã bồi thường cho Seoul bằng hình thức hỗ trợ tài chính và cho vay vốn tổng trị giá 800 triệu USD.

Tokyo đã viện dẫn những mối quan ngại an ninh quốc gia phát sinh từ “sự quản lý không thỏa đáng” của Seoul về hoạt động xuất khẩu các chất hóa học nhạy cảm, trong đó có hydro clorua vốn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học mà các nước chịu án phạt quốc tế có thể sử dụng đến như Triều Tiên.

Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách “trắng” gồm 27 quốc gia hữu hảo với lý do Seoul có sự kiểm soát thương mại không đáng tin cậy. Danh sách này là những nước được miễn quy trình phê chuẩn xuất khẩu với các mặt hàng có nguy cơ bị sử dụng vào mục đích quân sự.

Hiệu ứng lan tỏa

Các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix phụ thuộc vào nguồn cung vật liệu của Nhật Bản để sản xuất chíp và màn hình, để sau đó được bán cho Apple và các hãng công nghệ khác để sử dụng trong điện thoại thông minh.

Theo giới phân tích, do tính phức tạp của mạng lưới chuỗi cung ứng trong quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ phổ biến nói trên, căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước láng giềng Đông Á này có thể đẩy giá điện thoại thông minh cao hơn đối với người tiêu dùng toàn cầu.

[Nhật Bản sẽ hành động nếu Hàn Quốc làm tổn hại lợi ích của các công ty]

Chuyên gia kinh tế Troy Stangarone tại Viện Kinh tế Hàn Quốc trụ sở ở Washington cho rằng mặt trái của sự phụ thuộc lẫn nhau bị biến thành thứ vũ khí mà Nhật Bản đang lợi dụng để ép buộc Hàn Quốc chính là việc gây ra thiệt hại đối với người tiêu dùng khi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này bị phá vỡ.

Ông Lloyd Chan, thuộc hãng phân tích và dự báo toàn cầu Oxford Economics, hy vọng rằng căng thẳng sẽ không leo thang đến mức gây thiệt hại đáng kể đối với hoạt động thương mại, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã và đang đè nặng viễn cảnh thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Sundi Aiyer, Giám đốc quản lý hãng tư vấn chuỗi cung ứng và điều hành Aiyer Group cho rằng tranh cãi này sẽ đóng vai trò như một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các nhà sản xuất Hàn Quốc phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Nhật Bản.

Điều gì đẩy căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang? ảnh 2Bảng thông báo không bán không mua các sản phẩm từ Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 5/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vì sao Nhật-Hàn không thể hòa giải?

Mặc dù cùng là đồng minh của Mỹ và có cùng mối đe dọa an ninh đối với Triều Tiên, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chia rẽ sâu sắc về những vấn đề lãnh thổ và lịch sử, gồm vấn đề phụ nữ mua vui thời chiến và tranh chấp lãnh thổ đối với khu vực đảo mà Seoul gọi là Dokdo còn Tokyo gọi là Takeshima.

Ông Stephen Nagy, Phó Giáo sư tại Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Tokyo, giải thích rằng, đối với Hàn Quốc, bản sắc hiện đại của họ bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thuộc địa Nhật Bản rồi sau đó là sự chia rẽ bán đảo Triều Tiên. Còn đối với Nhật Bản, bản sắc thời hậu Thế chiến thứ hai bắt rễ từ trải nghiệm là một nước duy nhất gánh chịu bom nguyên tử, hiến pháp hòa bình của họ cũng như cách hành xử thời hậu Thế chiến thứ hai trong khu vực và trên trường quốc tế.

“Cả hai bản sắc này không thừa nhận lẫn nhau và những bất đồng song phương, chủ nghĩa dân tộc và những hiểu biết lịch sử chưa toàn diện tiếp tục chia rẽ mối quan hệ vốn có thể trở thành mối quan hệ đồng minh tự nhiên trong khu vực," ông Nagy nói.

Theo Brad Glosserman, Phó Giám đốc Trung tâm Chiến lược tạo quy luật tại Đại học Tama ở Tokyo, những tranh cãi lịch sử và lãnh thổ thường được hai nước lợi dụng để đạt được những lợi ích chính trị trong nước.

Mỹ sẽ can thiệp?

Trong các kỳ cuộc tranh cãi trước đây giữa Hàn-Nhật, Mỹ, nước vốn có các căn cứ quân sự ở cả hai nước này, đều nỗ lực để đưa hai đồng minh của mình đối thoại để hóa giải bất đồng. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như không mặn mà can dự.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước cho biết sẽ tìm cách để “tăng cường quan vệ giữa và với ba nước," song Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương hôm 12/7 nói rằng Washington không có ý định can thiệp.

Giới phân tích cho rằng sự hoài nghi của Trump đối với các quan hệ đồng minh truyền thống và mối quan hệ cải thiện của Bình Nhưỡng với Mỹ và Hàn Quốc đồng nghĩa với việc Washington có thể sẽ “buông tay” trước sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa hai đồng minh của mình.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy tranh cãi sẽ thuyên giảm. Seoul tuyên bố sẽ kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đồng thời sẽ đưa căng thẳng thương mại lên Đại Hội đồng WTO vào tuần tới ở Geneva.

Hôm 15/7, Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo Tokyo rằng những hạn chế thương mại đã “xé toạc sự tín nhiệm” đối với quan hệ hợp tác trong sản xuất và sẽ gây tổn hại đến kinh tế của Nhật Bản hơn là kinh tế Hàn Quốc. Giới chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Nhật Bản.

Trong khi đó, cả hai bên đối mặt với hàng loạt thời hạn chót và những điểm mốc mang nặng tính chính trị vốn có thể đẩy căng thẳng lên cao. Ví dụ, mốc 21/7 là ngày bầu cử Thượng viện Nhật Bản, sự kiện mà giới phân tích cho rằng sẽ trao cho Thủ tướng Abe động lực để kéo dài tranh cãi.

Shin Kak-soo, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản, cho rằng cách duy nhất là Chính quyền Hàn Quốc nên đưa ra một giải pháp khả thi để xử lý vấn đề lao động bị ép buộc. Nếu không, có khả năng Nhật Bản sẽ đưa ra thêm phương thức nào đó khiến mối bất đồng ngày một căng thẳng hơn, một tình huống vốn đang được chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở cả hai nước ủng hộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục