Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đi tới đâu?

Mâu thuẫn thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang leo thang vì Tokyo dường như đang chuẩn bị mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu của mình vượt ra ngoài các nguyên liệu công nghệ cao.
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đi tới đâu? ảnh 1Thông báo không bán các mặt hàng Nhật Bản tại một siêu thị Hàn Quốc. (Nguồn: AP)

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn ý kiến của các chuyên gia theo dõi ngành công nghiệp ngày 15/7 cho rằng căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang leo thang vì Tokyo dường như đang chuẩn bị mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu của mình vượt ra ngoài các nguyên liệu công nghệ cao, điều có thể phá vỡ nguồn cung toàn cầu.

Ngày 4/7, Nhật Bản bắt đầu áp dụng các quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn sang Hàn Quốc đối với 3 nguyên liệu chính cần có để sản xuất chip và màn hình.

Đây là động thái mà dư luận cho là để “đáp lại” các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc buộc một số công ty Nhật phải bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị ép buộc lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và đang đẩy Hàn Quốc ra khỏi danh sách các khách hàng đáng tin cậy, điều có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp các nguyên liệu chủ chốt cần để sản xuất điện thoại thông minh, tivi, hóa chất và các nguyên liệu công nghiệp khác.

Động thái của Tokyo loại Seoul khỏi "danh sách trắng" này (với lý do ảnh hưởng tới an ninh quốc gia) sẽ khiến các công ty Hàn Quốc phải tìm kiếm giấy phép đối với nhiều công nghệ, khiến chi phí và thời gian sản xuất có thể tăng lên.

Hàn Quốc hiện đang nằm trong “danh sách trắng” của Nhật Bản, gồm 27 quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, Ba Lan và Italy.

Một quan chức (yêu cầu giấu tên) của Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết: "Nếu Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách này, ước tính khoảng 1.100 mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định mới. Chúng tôi đang phân tích chặt chẽ tác động tiềm tàng từ động thái của Nhật Bản đối với ngành công nghiệp Hàn Quốc."

[Samsung bảo đảm nguyên liệu sản xuất trong khi Nhật hạn chế xuất khẩu]

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ công bố quyết định vào ngày 24/7 sau một quá trình xem xét, và quyết định này bắt đầu có hiệu lực 21 ngày sau khi được đưa ra.

Bộ Thương mại Hàn Quốc đã đề xuất tiến hành một cuộc họp khác với Nhật Bản trước ngày 24/7 để thảo luận về vấn đề này, sau cuộc họp đầu tiên ngày 12/7 không thể giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 12/7, phía Nhật Bản không nói rõ liệu họ có chấp nhận đề xuất này hay không.

Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết sẽ hợp tác với ngành công nghiệp trong nước để chính thức đưa ra những phản biện đối với động thái của Nhật Bản nhằm loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng,” đồng thời chính thức nêu việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu tại cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới vào ngày 23-24/7.

Các biện pháp bổ sung của Nhật Bản có thể tác động mạnh đến ngành công nghiệp công nghệ cao và kinh tế Hàn Quốc bởi ngành sản xuất chất bán dẫn chiếm 20% giá trị xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Tuần trước, tổ chức Standard & Poor đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2019 xuống còn 2%, do sự không chắc chắn về triển vọng thương mại toàn cầu và mức tiêu thụ yếu hơn, thấp hơn so với dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 4/2019.

Mâu thuẫn thương mại leo thang giữa hai nước láng giềng châu Á có quan hệ đan xen chặt chẽ này cũng làm dấy lên mối lo ngại về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà sản xuất chip Hàn Quốc chiếm hơn 70% sản lượng chip nhớ toàn cầu.

Kim Gyu-pan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, cho biết: "Các nguyên liệu hóa học công nghệ cao và pin lithium-ion được sử dụng trong các thiết bị quân sự cũng như một số máy cái có thể phải chịu sự hạn chế xuất khẩu mới của Nhật Bản."

Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) dự kiến việc thiếu hụt 30% nguyên liệu cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt giảm 2,2% và 0,04%. Bất kỳ biện pháp trả đũa nào của Seoul cũng sẽ có tác động tiêu cực lớn hơn tới cả hai nền kinh tế.

Chủ tịch KERI Kwon Tae-shin nhận xét: "Cuộc 'tấn công' thương mại của Hàn Quốc đang làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đã gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng chậm lại bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung và năng suất thấp. Chính phủ cần giải quyết kịp thời vấn đề với Nhật Bản trước khi nó dẫn đến việc hạ xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và cản trở tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc."

Công ty điện tử Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, có thể trở thành mục tiêu hàng đầu nếu phạm vi kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản không chỉ là các nguyên liệu sản xuất chip và màn hình mà còn cả các mặt hàng khác.

Công ty Hàn Quốc này là nhà cung cấp lớn cho các đại gia công nghệ toàn cầu, trong đó có Apple và Huawei.

Trước nguy cơ thương mại gia tăng, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong tuần trước đã đến Nhật Bản để giảm thiểu ảnh hưởng từ quy định hạn chế xuất khẩu 3 nguyên liệu nhằm ngăn chặn sự gián đoạn sản xuất tại các cơ sở của công ty và ra lệnh cho các quan chức điều hành hàng đầu của Samsung chuẩn bị đối phó với các kịch bản xảy ra.

Chia sẻ về kết quả chuyến đi của mình trong một cuộc họp đặc biệt được tổ chức ngày 13/7 với sự tham dự của các quan chức điều hành hàng đầu của Samsung, ông Lee thông báo ông bảo đảm có đủ polyimide fluoride, chất cản màu và hydro florua để tránh gián đoạn sản xuất của Samsung.

Không biết Samsung làm thế nào để mua ba nguyên liệu công nghệ cao này và mua bao nhiêu, song các nguồn tin cho biết sẽ đủ để các cơ sở sản xuất của Samsung đảm bảo hoạt động với lượng dự trữ trong kho trong một thời gian.

Những người trong ngành suy đoán số nguyên liệu mà Samsung sẽ mua không phải là hàng nhập khẩu trực tiếp từ các công ty Nhật Bản bởi việc này bị Tokyo cấm.

Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đi tới đâu? ảnh 2Quan chức cấp cao Bộ Thương mại Hàn Quốc (bên phải) trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên với những người đồng nhiệm Nhật Bản về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu đối với ba mặt hàng nguyên liệu công nghệ cao sang Seoul, tại Tokyo ngày 12/7/2019. (Nguồn: KYODO/TTXVN)

Các chuyên gia theo dõi ngành công nghiệp cho biết các hạn chế xuất khẩu mới của Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến các công ty khác nhập khẩu nguyên liệu sản xuất pin lithium-ion, thiết bị xây dựng và máy công cụ, song ảnh hưởng là có giới hạn vì các công ty này có thể tìm nguồn thay thế từ các thị trường khác.

Công ty chứng khoán KB Securities nhận định: "Tác động của việc hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các ngành khác sẽ hạn chế hơn so với ngành công nghiệp bán dẫn, vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng Nhật Bản, có thị phần chi phối."

Một số nhà quan sát kỳ vọng động thái của Nhật Bản có thể giảm bớt sau cuộc bầu cử Thượng viện Nhật ngày 21/7, sự kiện mà Thủ tướng Shinzo Abe sử dụng con bài thương mại vì lợi ích chính trị của ông.

Nhà phân tích Kong Dong-rak của công ty chứng khoán Daishin Securities bình luận: “Không giống như xung đột thương mại truyền thống áp đặt thuế quan đối với phía bên kia, sự hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể làm giảm thặng dư thương mại của Nhật Bản (với Hàn Quốc). Nếu mâu thuẫn thương mại song phương ngày càng sâu rộng, Nhật Bản cũng sẽ chịu tổn thất đáng kể về kinh tế"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục