Điều gì làm nên Satun yên bình giữa miền cực Nam Thái Lan?

Chính quyền Satun đã thành công trong việc xây dựng được các cộng đồng dân cư tự quản, nơi người dân và chính quyền luôn có thể hợp tác chặt chẽ để giải quyết mọi vấn đề.
Điều gì làm nên Satun yên bình giữa miền cực Nam Thái Lan? ảnh 1Bè nuôi trồng hải sản của người dân Tan Yong Po trong vịnh Andaman. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Khác hẳn với các tỉnh cực Nam Thái Lan lân cận, Satun là một nơi hoàn toàn yên bình và chưa hề phải đối mặt với chủ nghĩa bạo lực cực đoan.

Chính quyền nơi đây đã thành công trong việc xây dựng được các cộng đồng dân cư tự quản, nơi người dân và chính quyền luôn có thể hợp tác chặt chẽ để giải quyết mọi vấn đề.

Tan Yong Po là một điểm điển hình của mô hình này. Nó đang góp phần tạo nên sự bình yên và hòa thuận giữa các cộng đồng dân cư ở Satun.

Nằm bên bờ biển Andaman, Tan Yong Po là khu vực định cư của người Hồi giáo sống bằng nghề đánh bắt cá và cạo mủ cao su. Khu vực này từng là điểm đen về ma túy và trộm cắp. Nhiều phần tử cực đoan cũng từng lấy điểm này làm nơi lẩn trốn.

Hiện nay, nạn buôn bán ma túy và trộm cắp đã giảm được tới 80%, nhờ những nỗ lực thực hiện chính sách cộng đồng tự quản từ đầu năm 2011. Trong chính sách này, lực lượng an ninh được cử xuống sống cùng người dân, giúp họ làm ăn và dần dần tạo dựng lòng tin để từ đó người dân sẽ hợp tác với chính quyền trong việc phát hiện và tố giác tội phạm.

Ông Suttinun Anuntakhal, đội trưởng an ninh khu vực, cho biết: "Nhiệm vụ hiện nay của cảnh sát nơi đây là hợp tác với người dân địa phương để tiếp tục duy trì sự ổn định. Chúng tôi từng tổ chức nhiều chiến dịch truy lùng và bắt giữ tội phạm, nhưng nạn trộm cắp và ma túy không hề giảm.

Điều này cho thấy nhiều khi trấn áp lại không đạt được hiệu quả bằng thuyết phục và giáo dục. Trước đây, người dân rất dị ứng với cảnh sát, nhưng qua năm tháng thời gian, họ đã hiểu và thông cảm với chúng tôi. Khi người dân đã có niềm tin vào chính quyền, thì chính họ sẽ là những chiến sỹ cảnh sát trong việc triệt phá tội phạm."

Rõ ràng việc cải thiện hình ảnh của quan chức chính quyền, đặc biệt là lực lượng cảnh sát đã góp phần tăng cường đáng kể các mối quan hệ với người dân sở tại và đồng thời giúp giảm bớt tình trạng tội phạm một cách rõ rệt ở Ban Tan Yong Po.

Người dân ở khu vực này cũng được nhận cả trợ cấp từ nguồn ngân sách để cho con cái họ được đi học hoặc họ mua dụng cụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thanh thiếu niên được khuyến khích tham gia hoạt động tập thể và dành thời gian cho các công việc phục vụ cộng đồng. Những hoạt động này chủ yếu là nhằm tách khỏi họ nạn ma túy và trộm cắp.

Ông Amron Hajibilang, người dân Tan Yong Po, tâm sự: "Khu vực này hoàn toàn chỉ có người Hồi giáo sinh sống và phần lớn là làm nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản.

Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ khá nhiều từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở đây vẫn rất khó khăn, vất vả. Chúng tôi mong muốn được chính quyền trợ giúp nhiều hơn nữa để con cái chúng tôi có đủ tiền đi học."

Trong tương lai, khu vực này sẽ tiến tới trở thành điểm trắng về ma túy sau khi chính quyền và người dân từng tổ chức được nhiều buổi thảo luận để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của họ.

Việc trở thành điểm trắng về ma túy sẽ giúp khu vực này không còn có thể tồn tài chủ nghĩa cực đoan. Sự hòa thuận trong cuộc sống thường nhật giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo sẽ càng được củng cố.

Ông Kiti Matanee, Chủ tịch xã Tan Yong Po, nói: "Trước đây khu vực này nổi tiếng về nạn ma túy và trộm cắp bởi giữa chính quyền và người dân chưa có được sự hiểu biết và thông cảm với nhau. Nhưng giờ đây, các cấp chính quyền kể từ trưởng thôn tới chủ tịch xã đã có sự phối hợp rất tốt với cảnh sát khu vực và người dân để giáo dục, thuyết phục thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn.

Tôi có thể khẳng định rằng tệ nạn ma túy và trộm cắp tại đây bây giờ đã giảm tới 80%. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc triển khai mô hình cộng đồng dân cư tự quản, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên để tiến tới xây dựng một khu vực không còn ma túy, trộm cắp và là mô hình điểm cho các địa phương khác."

Mô hình cộng đồng dân cư tự quản đang bắt đầu được triển khai rộng rãi tại các tỉnh lân cận của Satun ở miền cực Nam Thái Lan, với hy vọng tình trạng bạo lực sẽ giảm đi đáng kể khi sự nghi ngờ giữa chính quyền và người dân địa phương không còn tồn tại mà thay vào đó là sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục