Điều tra thống kê của Việt Nam đảm bảo tuân thủ chuẩn mực quốc tế

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 19/6. (Ảnh: Vietnam+)
Tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 19/6. (Ảnh: Vietnam+)

“Sự tin tưởng, sử dụng số liệu thống kê một cách trách nhiệm trong mỗi con chữ, dòng tin, bài viết của các nhà báo sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng cục Thống kê tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách thức, phương pháp để thông tin thống kê ngày càng chất lượng.”

Nội dung trên được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ tại Tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 19/6.

"Sức nặng" của những con số thống kê

Theo bà Hương, tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn nữa về cách tổng hợp, biên soạn số liệu thống kê tới các nhà báo, từ đó góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao công tác truyền thông về các chính sách.

Ở khía cạnh phân tích thống kê, bà Hương cho rằng công việc của ngành cũng giống như viết một bài báo, cơ quan Thống kê cũng cần có những dữ liệu, căn cứ xác thực để biến những con số khô khan thành những “con số biết nói.”

[Tổng cục Thống kê: 59 tỉnh, thành phố tăng trưởng dương trong 6 tháng]

Trên cơ sở đó, bà Hương khẳng định ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo các đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế. Dữ liệu thống kê cũng là căn cứ để định kỳ 5 năm và hàng năm, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và địa phương.

“Sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế-xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin cùng sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống.... đòi hỏi ngành Thống kê phải luôn vận động, đổi mới. Do đó, các phương pháp thống kê đã có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội. Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của cơ quan thống kê luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam,” bà Hương nhấn mạnh.

Điều tra thống kê của Việt Nam đảm bảo tuân thủ chuẩn mực quốc tế ảnh 1Phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, chia sẻ phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo chuẩn mực quốc tế và được hầu hết các nước trên thế giới (áp dụng tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020).

“Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực,” bà Oanh cho biết.

Sát với thực tiễn

Để tính CPI, bà Oanh cho hay danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, gọi là “rổ” hàng hóa (thời kỳ 2020-2025) có 752 mặt hàng. Mỗi địa phương có mức sống và tập quán tiêu dùng khác nhau nên trừ một số mặt hàng phải thống nhất quy cách, phẩm cấp trên phạm vi cả nước trong danh mục chuẩn, những mặt hàng và dịch vụ còn lại được chọn theo đặc điểm tiêu dùng của địa phương. Trên cơ sở đó, mỗi địa phương xây dựng một mạng lưới điều tra giá riêng biệt.

Bên cạnh đó, mạng lưới điều tra giá (bao gồm các khu vực điều tra) là các chợ, trung tâm thương mại, các siêu thị bán lẻ... có hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ để tiến hành điều tra thu thập giá.

Ngoài ra, ngành thống kê cũng xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay còn gọi là quyền số. Hàng tháng, các địa phương cũng tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ.

“Hiện toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, cơ quan thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử-CAPI tại 63 tỉnh, thành. Từ đó, chất lượng số liệu điều tra được nâng cao đồng thời minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới,” bà Oanh nói.

Điều tra thống kê của Việt Nam đảm bảo tuân thủ chuẩn mực quốc tế ảnh 2Cơ quan thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử CAPI tại 63 tỉnh, thành. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Tại tọa đàm, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp cho biết thêm Tổng cục Thống kê đã biên soạn các phân tích chuyên sâu cung cấp cho người dùng. Đây cũng là cơ sở để các nhà báo, phóng viên sử dụng biên tập làm thông tin, tư liệu viết bài về tình hình kinh tế-xã hội. Gần đây nhất, ngành cũng có những báo cáo chuyên đề phân tích nhằm nêu bật lên sự phục hồi trở lại của nền kinh tế (đơn cử báo cáo: Nỗ lực phục hồi, xuất, nhập khẩu năm 2022 đạt kỷ lục mới; Doanh nghiệp tái gia nhập tăng cao kỷ lục trong 8 tháng của năm 2022…).

Để nâng cao chất lượng thống kê, bà Dương Thị Kim Nhung, Vụ Phó Vụ Phương pháp chế độ thống kê cho biết trong những tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã tập trung triển khai công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật làm cơ sở cho hoạt động thống kê.

“Sau khi Luật Thống kê sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2021, Tổng cục Thống kê đã trình Chính phủ thông qua các văn bản dưới luật. Đây là những nỗ lực không chỉ của ngành Thống kê mà của tất cả các bộ, ngành và địa phương nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan tới thống kê. Thời gian tới, hai văn bản pháp lý liên quan tới tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê và chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia cũng sẽ được ban hành,” bà Nhung chia sẻ.

Về hợp tác quốc tế, bà Nhung cho biết Tổng cục đang kết nối với các tổ chức quốc tế (như Tổ chức Lao động quốc tế-ILO, Quỹ dân số Liên hợp quốc-UNFA, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB…) và cơ quan thống kê các nước tiên tiến (Bangladesh, Italia, Nhật Bản, Đan Mạch…) nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài ra, bà Nhung cho hay ADB đang tài trợ cho Tổng cục Thống kê dự án JFPR TA 6856 về “Phát triển nguồn lực thống kê mới và xây dựng năng lực về công nghệ và nguồn lực dữ liệu mới.” Cơ quan thống kê Đan Mạch cũng phối hợp với Tổng cục thực hiện dự án “Hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng số liệu thống kê chính thức” và Cơ quan thống kê Hàn Quốc đã chính thức triển khai dự án “Hỗ trợ Tổng cục Thống kê cải thiện chất lượng số liệu thống kê chính thức, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và đào tạo cán bộ” trong thời gian 4 năm (từ 2022-2025)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục