Đình công phản đối "kinh tế khắc khổ" tại Hy Lạp

Ngày 26/6, công đoàn các ngành lao động Hy Lạp đã phát động làn sóng bãi công mới nhằm chống các biện pháp "thắt lưng buộc bụng."
Chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tiến hành cải tổ nội các, ngày 26/6, công đoàn các ngành lao động Hy Lạp đã phát động làn sóng bãi công mới nhằm chống các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vốn không được sự ủng hộ của người dân.

Theo các nhà tổ chức, tại các cảng biển trên cả nước, những thủy thủ và công nhân bến cảng đã tiến hành bãi công trong 7 giờ để phản đối chương trình "thắt lưng buộc bụng" và cải cách kinh tế do chính phủ đưa ra nhằm chống khủng hoảng.

Những người biểu tình mang theo nhiều cờ và biểu ngữ phản đối việc chính phủ cổ phần hóa các cảng biển, cho rằng kế hoạch này sẽ không có lợi cho người đi biển và kêu gọi nhà nước tiếp tục kiểm soát các khu vực đánh bắt lớn. Các lái xe điện cũng ngừng làm việc trong 5 giờ để thảo luận kế hoạch phản đối tiếp theo.

Trong khi đó, công đoàn ngành thuế cũng kêu gọi cuộc bãi công 48 giờ để phản đối kế hoạch sáp nhập các cơ quan thuế nhằm cắt giảm chi tiêu cho khu vực hành chính công.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp đầu tiên của nội các mới sau cải tổ, ông Samaras tái khẳng định quyết tâm của chính phủ tiến hành các chính sách cần thiết, trong đó đặc biệt tập trung vào kế hoạch cải cách cơ cấu và cổ phần hóa nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Các quan chức Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế nhấn mạnh rằng chương trình "thắt lưng buộc bụng" là giải pháp duy nhất để đưa nước này vượt qua giai đoạn khủng hoảng và có thể đạt tăng trưởng vào năm sau. Đây cũng được xem là một trong những điều kiện Athens phải đáp ứng để nhận được các khoản giải ngân tiếp theo trong hai gói cứu trợ trị giá lên tới 210 tỷ ơrô từ các định chế tài chính quốc tế.

Trước đó, để ngăn chặn nguy cơ phá sản, từ năm 2010, Hy Lạp phải cam kết thực hiện những biện pháp khắc khổ để đổi lấy các gói cứu trợ, tuy nhiên theo các nhà phân tích, chính sách "thắt lưng buộc bụng" ngày càng khắc nghiệt đã khiến người dân ngày một khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục trong khi tình trạng suy thoái vẫn chưa được đẩy lùi.

Việc Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras phải tiến hành cải tổ nội các cũng là do đảng Dân chủ cánh tả, thành viên nhỏ nhất trong liên minh cầm quyền, rút khỏi chính phủ để phản đối việc đóng cửa đài truyền hình quốc gia ERT và những chính sách cải cách kinh tế không được lòng dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục