Ngày 19/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với di tích đình miếu Cồn Trứng và lăng ông Cồn Tàu.
Di tích đình miếu Cồn Trứng nằm cách thành phố Trà Vinh khoảng 51km về hướng Đông và Di tích lăng ông Cồn Tàu nằm cách đình miếu Cồn Trứng 1km thuộc ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải.
Theo các vị cao niên trong ấp, đình miếu Cồn Trứng được tạo dựng vào những năm đầu thời Minh Mạng. Khi mới tạo dựng, đình miếu Cồn Trứng đơn sơ bằng tre lá.
Đến năm 1839, đình miếu Cồn Trứng được xây dựng lại rất quy mô, bề thế. Đình miếu Cồn Trứng bao gồm ngôi đình có chánh tẩm thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh cùng võ ca, võ quy, nhà trù và ngôi miếu là ngôi nhà lầu thờ Thượng Động Cố Hỉ; đình và miếu (đình Ông - miếu Bà) đều làm bằng cột gỗ căm xe, mái lợp ngói.
Lăng ông Cồn Tàu được những cư dân đến đây khai hoang lập nghiệp tạo dựng vào năm 1870 để thờ ông Nam Hải tức Cá Ông hay “Quốc Gia Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần.”
Ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, lăng ông Cồn Tàu là hội quán để tập hợp thanh niên tiền phong luyện tập võ nghệ nổi dậy cướp chính quyền địch. Năm 1947, lăng ông Cồn Tàu được sử dụng làm kho chứa lúa gạo để vận chuyển tiếp tế cho Trung Bộ.
Năm 1948, nơi đây được sử dụng làm nơi giam giữ tù binh Pháp và làm trường huấn luyện cán bộ dân quân của Xứ ủy lấy tên là Trường dân quân Nam Bộ. Đặc biệt, trong giai đoạn Trà Vinh mở bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào “Đường Hồ Chí Minh trên biển,” lăng ông Cồn Tàu trở thành địa điểm cất giấu vũ khí.
Đình miếu Cồn Trứng và lăng ông Cồn Tàu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và là biểu trưng của lòng tự hào về tình yêu quê hương đất nước. Hằng năm, vào ngày 15/7 và ngày 15/2 Âm lịch, ở đây diễn ra lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc./.