Đồ chơi Trung Quốc: “Cuộc chiến” tem quy chuẩn

Với sức hút về mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nhiều mặt hàng đồ chơi độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn “bành trướng” trên sân Việt.
Mùa Trung thu đã đến, thời điểm này dạo quanh phố phường Hà Nội đâu đâu cũng thấy tràn ngập các mặt hàng đồ chơi nhập ngoại, với nhiều mẫu mã, màu sắc lòe loẹt.

Điều đáng nói, mặc dù thị trường đồ chơi đã có nhiều xáo trộn ngay sau khi thông tin đèn lồng Trung Quốc có chất gây ung thư được thông báo. Thế nhưng, với sức hút về mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nhiều mặt hàng độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn “bành trướng” trên sân Việt.

“Bội thực” đồ chơi độc hại

Sau gần hai tiếng đồng hồ dạo quanh phố cổ, tìm mua đồ chơi Trung thu cho con, chị Trịnh thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra rất mệt mỏi vì khắp các hàng quán đâu đâu cũng la liệt những đồ chơi nhập khẩu, không có tem quy chuẩn.

Theo đánh giá của chị Nga, đại đa số đồ chơi nhập khẩu năm nay tràn lan, lấn át đồ chơi truyền thống. Bên cạnh đa dạng mẫu mã, màu sắc, đồ chơi Trung Quốc giá cũng rẻ hơn nhiều so với đồ chơi truyền thống.

Về phía người bán hàng, chị Nguyễn Thanh Hoa (chủ một cựa hàng bán đồ chơi ở phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm), cho biết sở dĩ khách hàng không "khoái” đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, trống gỗ, đèn Hội An vì ít mẫu mã và hình thức cũng không có nhiều thay đổi. Cùng với đó, giá thành lại cao hơn các mặt hàng Trung Quốc 20-30%.

Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt như cánh bướm thiên thần, vương miện, búp bê biết nói và hát. Cùng với nhiều sản phẩm “độc” như siêu nhân, súng bắn đạn nhựa, mặt nạ kỳ dị… lại được trẻ thích thú và phù hợp với túi tiền của phụ huynh.

Cũng vì lẽ đó, nên dù nghe tin đèn lồng Trung Quốc chứa chất độc hại, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổ, dị tật, thai nhi, chị Hoa vẫn thản nhiên bảo: “Đồ nhựa thì cái gì chả độc hại, nhưng khách hàng ưa thì nhà tôi bán thôi.”

Dù vậy, chị Hoa cũng tỏ ra lo lắng, bởi thông tin trên đã khiến lượng khách đến cửa hàng chị giảm đi nhiều.

Không riêng gì chị Hoa, nhiều cửa hàng trên phố Hàng Lược, Hàng Mã, Phúc Tân… thời điểm này, lượng mua các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc cũng đang giảm mạnh. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng dần cảnh giác, e dè hơn khi chọn mua đồ chơi cho trẻ.

Sau gần một tiếng đồng hồ tìm mua đồ chơi cho con, chị Nguyễn Thị Vân (ở phố Hàng Mã) chia sẻ: “Đồ chơi Trung Quốc năm nay có nhiều mẫu mã đẹp, giá cả cũng rẻ nên việc mua sắm không mấy khó khăn. Thế nhưng, từ khi nghe tin đèn lồng Trung thu của Trung Quốc có chất gây ung thư, bản thân tôi cũng rất lo ngại.

Qua tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, đồ chơi Trung Quốc được nhiều cửa hàng ở phố Hàng Mã nhập về đa phần không nhập trực tiếp từ Trung Quốc mà lấy lại của các đầu nậu ở Lạng Sơn, Cao Bằng và vùng Móng Cái (Quảng Ninh)

Khó kiểm soát tem quy chẩn

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn.

Cụ thể, phải có độ pH hay hàm lượng độc tố formaldehyde không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tất cả các đồ chơi sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải được kiểm tra chất lượng, có chứng nhận hợp quy và tem chứng nhận chất lượng…

Tuy nhiên, hiện nay trên thành phố Hà Nội có rất nhiều đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc màu sắc lòa loẹt, không có tem nhãn, chứng nhận về chất lượng và có mùi nhựa khó chịu. Điển hình là các cửa hàng ở phố Hàng Mã, Lương Văn can.

Cụ thể, tính đến ngày 25/9, tại phố Hàng Mã, Đội quản lý thị trường số 2 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã thu giữ và xử lý 1.593 sản phẩm đồ chơi các loại không có tem quy chuẩn, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 2, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hai tuyến phố là Lương Văn Can và Hàng Mã chuyên kinh doanh mặt hàng đồ chơi. Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể, số lượng nhỏ nên rất khó kiểm soát.

“Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ thì các sản phẩm đồ chơi đều phải dán tem hợp quy CR, nhưng bất cập là giao cho doanh nghiệp tự in, tự dán các tem nên rất khó để xác định liệu các tem này có chuẩn không hay chỉ là đối phó và hình thức,” ông Chiến lo lắng.

Đưa ra dẫn chứng, ông Chiến nói: “Không giống như tem rượu, việc xác định tem thật giả rất dễ nhưng đồ chơi thì lại do doanh nghiệp tự in nên rất khó để kiểm soát.”

Bên cạnh đó, theo ông Chiến, hàng hóa đưa về tiêu thụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều bị xé lẻ, việc bắt quả tang các chủ xe, đầu nậu nếu không được sự phối hợp từ các lực lượng khác thì khó triệt để.

“Mặt khác, hàng bán tại các cửa hàng chỉ cần có hóa đơn mua hàng và tem hợp quy, cái này thì không khó với các cửa hàng. Muốn ngăn chặn được đồ chơi không hợp chuẩn thì cần phải xem lại quy trình in, dán tem,” ông Chiến nói.

Trên thực tế, dù biết đồ chơi Trung thu năm nay tràn lan, nhiều sản phẩm độc hại không có tem quy chuẩn, song do mặt hàng này quá phổ biến, giá thành rẻ nên vẫn thu hút được người tiêu dùng. Ngược lại, đồ chơi truyền thống lại hạn chế cả về số lượng lẫn mẫu mã, giá thành lại quá cao nên rất khó bán.

Lý giải thị hiếu ưa dùng đồ chơi Trung Quốc, “không khoái” đồ chơi truyền thống, chị Trang (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) cho rằng: “Đồ chơi truyền thống như trống gỗ hay đèn ông sao giấy thì thì quá cũ, bọn trẻ không thích, chúng thích những thứ mới mẻ, mẫu mã lạ mắt. Vì vậy, đành phải theo ý nguyện của con thôi”.

Như vậy, câu chuyện về đồ chơi Trung Quốc, dù có nhiều loại độc hại, vẫn tràn lan, lấn át đồ chơi truyền thống  lại tiếp tục tái diễn, không chỉ mỗi mùa Trung thu, và đang đặt ra yêu cầu đối với nhà quản lý thị trường về khâu kiểm duyệt, lưu hành; đồng thời là thách thức đối với những cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục