Đoàn công tác Quốc hội giám sát các dự án bauxite tại Tây Nguyên

Đoàn công tác thực hiện giám sát ở khu khai thác quặng bauxite, huyện Bảo Lâm các quy trình sản xuất, nhất là công tác quản lý các hóa chất độc hại, xử lý chất thải độc hại ở Nhà máy Alumin Tân Rai.
Đoàn công tác Quốc hội giám sát các dự án bauxite tại Tây Nguyên ảnh 1Đoàn công tác Quốc hội kiểm tra công tác an toàn trong sản xuất tại Nhà máy alumin Tân Rai Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 15/3, tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, Đoàn công tác Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn, đã thực hiện Chương trình khảo sát thực hiện kiến nghị từ phía Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại các dự án khai thác quặng bauxite của Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam.

Đoàn công tác đã thực hiện giám sát tại khu vực khai thác quặng bauxite thuộc huyện Bảo Lâm các quy trình sản xuất, nhất là công tác quản lý các hóa chất độc hại, xử lý chất thải độc hại trong quá trình sản xuất alumin tại Nhà máy Alumin Tân Rai của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng.

Đoàn đặc biệt quan tâm công tác hoàn nguyên, trồng cây xanh phục hồi môi trường tại các khu vực đã khai thác quặng bauxite trên địa bàn; công tác xử lý bùn đỏ tại các hồ lắng đảm bảo theo đúng các quy định của Nhà nước.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, cho biết thời gian qua, các dự án bauxite tại Lâm Đồng và Đắk Nông đã dành 40 tỷ đồng thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Năm 2020, cả hai đơn vị đã khai thác được trên 1.400.000 tấn alumin, đem lại doanh thu 9.458 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước…

Đại diện Công ty Nhôm Lâm Đồng cũng cho biết năm 2020, đơn vị đã khai thác 3.611.400 tấn quặng nguyên khai, alumin quy đổi đạt 707.200 tấn, đạt 108,8% kế hoạch với tổng doanh thu đạt 2.736 tỷ đồng, nộp ngân sách ước khoảng 241 tỷ đồng…

[Thủ tướng chủ trì họp tổng kết 10 năm khai thác, chế biến bauxite]

Đối với các nội dung Đoàn công tác Quốc hội đã kiến nghị xử lý vào tháng 2/2018, đơn vị đã thực hiện được hầu hết các nội dung như hoàn thiện các thủ tục pháp lý; thực hiện các công trình xử lý bụi, khí thải; lắp đặt ba trạm quan trắc nước thải tự động; tiến hành trồng cây, cải tạo, phục hồi môi trường khoảng 100ha; xây dựng hệ thống thu gom, tiêu thoát nước mưa…

Đại diện Công ty Nhôm Đắk Nông báo cáo Đoàn công tác về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020, theo đó, khai thác 4.499.880 tấn quặng nguyên khai với lượng alumin sản xuất quy đổi đạt 715.268 tấn, đạt trên 102% kế hoạch; tổng doanh thu năm 2020 của đơn vị đạt 2.902 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước khoảng 410,6 tỷ đồng…

Đối với 7 kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội từ tháng 2/2018 đối với Dự án Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông, đơn vị đã thực hiện tốt 4 nội dung gồm hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định; lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động; bố trí kho chứa chất thải độc hại; thực hiện phun nước, xử lý bụi trong khu vực khai thác, sản xuất. Ba nội dung còn lại đang triển khai thực hiện gồm xử lý mùi bãi chứa than, xây dựng hồ chứa bùn đỏ và trồng cây xanh trong khu vực nhà máy và khu vực khai thác bauxite…

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá: năm 2020, mặc dù trải qua những khó khăn chung của thế giới về tình hình dịch COVID-19 nhưng các dự án bauxite của Lâm Đồng và Đắk Nông đã khai thác được trên 1.400.000 tấn alumin quy đổi, đem lại 320 tỷ đồng lợi nhuận. Đặc biệt hơn, dự án góp phần đảm bảo cuộc sống cho 1.000 người lao động với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong định hướng khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên.

Ông Phan Xuân Dũng cũng đánh giá cao những cố gắng của 2 đơn vị trong thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội từ tháng 2/2018. Qua hơn 1 năm, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện đầy đủ 7 nội dung, chỉ còn 1 nội dung đang hoàn thành là nâng cấp công suất nhà máy sản xuất alumin; Công ty Nhôm Đắk Nông thực hiện 4 trong 7 nội dung kiến nghị, còn 3 nội dung đang thực hiện.

Ông Phan Xuân Dũng yêu cầu 2 đơn vị cần thực hiện nốt các nội dung mà Đoàn giám sát kiến nghị trong lần giám sát trước đây; chú trọng lựa chọn các loại cây phù hợp để trồng trên diện tích hoàn nguyên sau khai thác nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên; khuyến khích các đơn vị triển khai đề tài khoa học sử dụng bùn đỏ, biến chất thải thành tài nguyên phục vụ đời sống xã hội; đề nghị hai doanh nghiệp nhanh chóng nâng cấp 2 nhà máy sản xuất alumin bằng các công nghệ tiên tiến hơn để tiết kiệm nguồn tài nguyên của đất nước…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục