Thăm đặc công nước

Đoàn đặc công Hải quân M26 xứng danh anh hùng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đặc công Hải quân phối hợp với Quân khu 5 thần tốc, bí mật và bất ngờ giải phóng quần đảo Trường Sa.
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đến thăm Đoàn đặc công (M26) Hải quân và được nghe kể về những chiến công của những người lính đặc công năm xưa.

Chỉ nghe những danh hiệu như Đoàn đã hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (vào các năm 1969 và 1971), có bốn đơn vị và 10 cá nhân thuộc Đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; trong đó, riêng đội 1 - đội trực tiếp tham gia giải phóng Trường Sa - được ba lần phong tặng danh hiệu cao quý này cũng thấy đủ những chiến công, những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ đặc công hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lớn lao biết chừng nào.

Trung tá Trần Văn Nghĩa, Chủ nhiệm chính trị cho biết chỉ trong bảy năm sau ngày thành lập (1966-1973), Đoàn Đặc công Hải quân đã tham gia nhiều chiến dịch lớn với nhiều trận đánh lớn như Chiến dịch đường 9 - Bắc Quảng Trị vào năm 1967, Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào 1969, Chiến dịch Trị Thiên 1972.

Đặc biệt, tại Chiến trường Đông Hà - Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, Đặc công Hải quân đã mưu trí, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo dưới nước đánh chìm gần 340 tàu của Mỹ - Ngụy, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều cầu và phương tiện chiến tranh, góp phần vào chiến thắng vĩ đại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung tá Nghĩa hồ hởi kể tiếp: trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đặc công Hải quân đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bí mật và bất ngờ giải phóng quần đảo Trường Sa.

Chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 11/4-29/4/1975), đặc công Hải quân - đội 1 - cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 vừa hành quân vừa đánh trận giải phóng quần đảo Trường Sa.

Riêng trận đánh ở đảo Song Tử Tây, đã tiêu diệt được sáu tên địch, bắt chỉ huy cùng toàn bộ hơn 30 lính ngụy, thu được nhiều vũ khí của địch. Đây là một trong những chiến công vang dội nhất của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần vào thắng lợi vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày Giải phóng miền Nam, cán bộ chiến sỹ Đoàn Đặc công Hải quân M26 tiếp tục lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế với nhân dân Campuchia.

Trong thời kỳ hòa bình, Đoàn không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng huấn luyện sát với thực tế, sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với địa bàn hoạt động, phù hợp với đối tượng tác chiến và các đánh của đặc công nước.

Ngoài việc huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, Đoàn còn không ngừng tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, chiến sỹ và thực hiện các công tác nhân đạo. Trong ba năm qua, Đoàn đã ủng hộ, hỗ trợ xây dựng gần 20 nhà đồng đội, nhà tình nghĩa cho cán bộ, chiến sỹ, cựu chiến binh của Đoàn. Tổ chức tăng gia lao động sản xuất như trồng rau xanh, nuôi gia cầm cải thiện được chất lượng sống của cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn.

Trung tá Trần Văn Nghĩa kể một câu chuyện tưởng như hài: “cưới chồng qua ảnh” thật cảm động và hiếm thấy vừa mới diễn ra ở đơn vị. Đó là trường hợp của Thiếu úy Lại Đức Thịnh phải lên đường bảo vệ Trường Sa trước ngày cưới đúng một ngày để lại cô dâu trẻ ở quê nhà làm lễ cưới với bức ảnh chân dung của người chồng lính thủy.

Thay cho lời kết, Trung tá Nghĩa tâm sự: dẫu đời sống gia đình, cá nhân các chiến sỹ đặc công nước còn nhiều khó khăn, song các anh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Văn Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục