Đoàn kết, hòa hợp, đem lại hình ảnh đẹp “Phật giáo trong lòng dân tộc”

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời phỏng vấn TTXVN về Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.
Đoàn kết, hòa hợp, đem lại hình ảnh đẹp “Phật giáo trong lòng dân tộc” ảnh 1Các đại biểu chủ trì cuộc họp báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Lê Hương/Vietnam+)

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX có chủ đề “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển” sẽ chính thức khai mạc sáng 28/11, tại Thủ đô Hà Nội.

Đây là một sự kiện quan trọng được tiến hành theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), hoạch định phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Trước thềm Đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc trao đổi.

- Thưa Hòa thượng, đâu là những thành tựu Phật sự nổi bật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua?

Hòa thượng Thích Huệ Thông: Trong nhiệm kỳ qua, về mặt thuận lợi cũng rất nhiều, nhưng thách thức cũng không phải ít. Song, có thể nói, trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp và sự quyết liệt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là các vị lãnh đạo của Giáo hội đã quyết tâm hoàn thành chương trình và Nghị quyết Đại hội VIII đề ra.

Như chúng ta thấy, thành quả trong nhiệm kỳ qua đã đạt được hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là công tác đối ngoại. Về ngoại giao, trên trường quốc tế, Phật giáo Việt Nam đáp ứng một cách rất khả quan các chương trình đề ra, như tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, tiếp các đoàn quốc tế.

Đặc biệt, chúng ta thành công trong tổ chức Đại lễ Phật đản-Vesak 2019, được cộng đồng thế giới đánh giá cao về khả năng, cách tổ chức của Phật giáo Việt Nam.

[Khai mạc triển lãm Phật giáo Việt Nam - Dấu ấn tinh hoa]

Các mặt khác như vấn đề tăng sự, hoằng pháp, giáo dục, công tác từ thiện… hầu hết đảm bảo đáp ứng được chương trình, đem lại sự ổn định và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.

Trong 9 mục tiêu đề ra của Đại hội VIII, có mục tiêu thứ 8 là nâng cao công tác truyền thông và xem đây như một kênh hoằng pháp. Giáo hội chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn phòng, thực hiện hành chính điện tử và triển khai đến một số các tỉnh, thành.

Trong công tác truyền thông, việc ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động thuyết pháp, giảng dạy và hội họp đã đem lại những kết quả rất lớn, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Giáo hội Phật giáo dùng công nghệ thông minh để duy trì hoạt động một cách có hiệu quả.

Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển

- Vì sao Giáo hội lựa chọn chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” tại Đại hội lần này, thưa Hòa thượng? Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hội nhập và phát triển của nước ta hiện nay, mà Phật giáo cũng không thể đứng ngoài xu thế đó?

Hòa thượng Thích Huệ Thông: Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kể từ năm 1981 đến nay, mỗi một giai đoạn lịch sử, quý Hòa thượng chọn một chủ đề nhằm đáp ứng, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Đoàn kết, hòa hợp, đem lại hình ảnh đẹp “Phật giáo trong lòng dân tộc” ảnh 2Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thí dụ, lần đầu tiên chủ đề của Đại hội là “Ổn định, đoàn kết để phát triển.” Chúng ta phải ổn định trước. Tinh thần đoàn kết là tinh thần nhất quán của Giáo hội từ thời Đức Phật, và có ổn định, có đoàn kết, mới phát triển.

Khi đã thật sự ổn định thì đến giai đoạn thứ hai, Giáo hội đặt chủ đề là “Trí tuệ-Kỷ cương-Hội nhập-Phát triển.” Hội nhập vào một thế giới đa chiều, trong đó chúng ta thường gọi là “vàng thau lẫn lộn” thì Phật giáo buộc phải có trí tuệ.

Trí tuệ là thuộc tính căn bản của đạo Phật, nhưng sử dụng nó là một chủ đề để quyết liệt hơn, dùng trí tuệ của tập thể để soi rọi, phân biệt rõ. Và từ soi rọi, phân biệt như vậy, chúng ta mới không bị chi phối hay làm mất bản chất của Phật giáo khi chúng ta hội nhập.

Kỷ cương là yếu tố giới luật, đây cũng là một yếu tố căn bản mà Phật giáo đã sử dụng xuyên suốt trong quá trình lịch sử kể từ khi đạo Phật có mặt trên hành tinh này. Có như vậy, khi hội nhập chúng ta mới phát triển được.

Và hôm nay, trong bối cảnh đất nước nói chung, Phật giáo nói riêng trên đà hội nhập toàn cầu, càng đòi hỏi hơn về tính kỷ cương trong một tổ chức. Kỷ cương ở đây bao hàm nhiều yếu tố, giới luật của Phật và các quy định khác được Phật chế và các vị tổ đã chế; chấp hành nghiêm Hiến chương của Giáo hội, quy chế, nội quy.

Ý nghĩa của kỷ cương bao hàm cả về chấp hành pháp luật của Nhà nước, chấp hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để trở thành một công dân hữu ích trong đất nước lấy pháp luật làm nền tảng.

Tính kỷ cương ở đây, thứ nhất là nhằm để củng cố tinh thần giới luật của đạo Phật trong các thành viên tổ chức của mình. Thứ hai là đặt nặng vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong tổ chức Giáo hội, đặc biệt là trách nhiệm của những người lãnh đạo của Giáo hội các cấp. Bởi nếu chúng ta thiếu trách nhiệm, không có kỷ cương, chắc chắn Giáo hội không thể phát triển bền vững, không thể hội nhập để đứng vững, để phát triển đúng theo tinh thần của Phật giáo.

Do đó, tính kỷ cương, tính trách nhiệm trong giai đoạn này Giáo hội đặt lên hàng đầu. Có như thế tinh thần đoàn kết mới đảm bảo được. Đoàn kết là một thuộc tính căn bản của Giáo hội, ngày nào chư tăng còn hội họp trong tinh thần đoàn kết, thì ngày đó chánh pháp của Phật còn cửu trụ.

Cho nên chủ đề này vừa đảm bảo được truyền thống của Phật giáo, vừa đáp ứng được tinh thần hội nhập của nhân loại trong thời đại phát triển. Đây là một chủ đề mà chúng tôi nghĩ rằng nó đáp ứng một cách đầy đủ, trọn vẹn giữa truyền thống và hiện đại.

Tu chỉnh Hiến chương phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

- Đại hội lần này sẽ tu chỉnh Hiến chương Giáo hội, Hòa thượng có thể cho biết những nội dung nào sẽ được tu chỉnh?

Hòa thượng Thích Huệ Thông: Trong 8 kỳ đại hội, 41 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 6 kỳ tu chỉnh Hiến chương và kỳ này là kỳ thứ 7. Lần này, Ban Tu chỉnh Hiến chương đã đưa ra một số yếu tố.

Thứ nhất, tu chỉnh Hiến chương phải đáp ứng được nhu cầu của tăng, ni và tín đồ Phật giáo, đáp ứng nguyện vọng, đem lại những lợi ích chính đáng cho các thành viên của tổ chức Giáo hội một cách rõ ràng, phù hợp với pháp luật.

Thứ hai, tu chỉnh Hiến chương để đem lại sự nghiêm túc trong việc quản lý tăng, ni. Trước đây, chúng ta có thể quy định ở một số văn bản khác, nhưng tính pháp lý không cao. Do đó, nghiên cứu để đưa tất cả những phần đó vào Hiến chương.

Đặc biệt, tu chỉnh Hiến chương lần này là để phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng và các quy định luật pháp khác nói chung. Đây là nội dung tiên quyết hàng đầu mà Ban Tu chỉnh Hiến chương hướng đến.

Hiến chương lần này mong muốn cơ sở tự viện sẽ được thành lập một cấp cơ sở, thí dụ như một ngôi chùa sẽ có một ban quản trị, ban quản trị này được nhìn nhận là tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Khi có tổ chức tôn giáo trực thuộc hợp pháp thì mọi quyền lợi, nhu cầu sẽ được luật pháp đáp ứng một cách đầy đủ, chẳng hạn trong việc xây dựng mới cơ sở thờ tự, hay sinh hoạt mang tính một tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Tu chỉnh Hiến chương kỳ này cũng sẽ quy định chi tiết hơn vấn đề tài sản có liên quan phù hợp với Luật Đất đai, vấn đề tài chính, quy định độ tuổi tham gia vào Hội đồng Trị sự…, để đảm bảo được sự ổn định và phát triển trong nội bộ Phật giáo, cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng có thể thấy trong nhiệm kỳ qua, còn những vấn đề trong nội bộ Giáo hội gây bức xúc trong dư luận. Vậy các quy định về bổ nhiệm, phong phẩm trong nhiệm kỳ tới được sửa đổi như thế nào để đảm bảo kỷ cương, đoàn kết và phát triển của Giáo hội. Giáo hội có giải pháp nào để tăng cường công tác quản lý chức sắc, chức việc?

Hòa thượng Thích Huệ Thông: Không một tổ chức nào không có vấn đề xảy ra trong nội bộ, cũng như không xảy ra đối với xã hội. Khi đã sinh hoạt sẽ có những mặt này, mặt khác. Tuy nhiên, nếu cá nhân nào vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Giáo hội sẽ có các quy định để xử lý đối với thành viên đó.

Thực ra, vấn đề đặt ra về luật, về xử lý đã có từ thời Đức Phật. Và trải qua 8 nhiệm kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn đề cập vấn đề kỷ luật trong Hiến chương, đặc biệt là thể thức hóa trong nội quy Ban Tăng sự. Đây là việc làm Giáo hội đã thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua.

Việc quy định tấn phong, phong hàm, phong phẩm trong các chức sắc Phật giáo đã được quy định chi tiết trong Hiến chương qua các nhiệm kỳ, được quy định rõ trong nội quy Ban Tăng sự và trong quy chế của Giáo hội.

Tại Đại hội này, Giáo hội cũng sẽ tiếp tục tu chỉnh những vấn đề đã đưa ra trước đây, có những điều chỉnh phù hợp hơn, đáp ứng tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ, cũng như đem lại hình ảnh đẹp đối với cuộc sống xã hội, đúng với ý nghĩa “Phật giáo trong lòng dân tộc.”

- Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục