Doanh nghiệp càphê liên kết để thắng trên "sân nhà"

20 doanh nghiệp càphê hàng đầu VN đã họp tại TP.HCM và nhất trí cần thay đổi phương thức kinh doanh, hợp tác chặt để cạnh tranh DN ngoại.
Từ bài học rút ra ở niên vụ càphê 2010-2011 là để doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế, các doanh nghiệp càphê Việt Nam đã thống nhất cần phải đổi mới phương thức kinh doanh và hợp tác chặt chẽ với nhau mới mong thắng trên sân nhà.

Đây cũng là nội dung được 20 doanh nghiệp càphê hàng đầu của Việt Nam (G20) rút ra trong cuộc họp ngày 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đối phó với tình hình khó khăn của ngành càphê niên vụ 2011-2012.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

Con số thống kê của Công ty Cafecotrol cho thấy, niên vụ càphê 2010-2011 Việt Nam xuất khẩu 1.250.000 tấn càphê, trong đó, 20 doanh nghiệp càphê xuất khẩu càphê lớn nhất của Việt Nam là 700.000 tấn, chiếm 56% tổng lượng càphê xuất khẩu, trong khi, những năm trước tỷ lệ này vào khoảng 80%.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch G20, sở dĩ có sự giảm sút như vậy là do doanh nghiệp càphê nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp từ người trồng càphê nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được.

Còn khoảng 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch càphê mới và hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường xây dựng kho chứa, chỉ định các đại lý để mua càphê trực tiếp từ người dân thay vì mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu càphê trong nước.

Với tư cách là doanh nghiệp có số lượng xuất khẩu càphê lớn nhất, ông Nam cho biết, trong niên vụ càphê 2010-2011 thực chất đến tháng 4, Việt Nam đã bán hết càphê cho các doanh nghiệp nước ngoài và những tháng sau đó chỉ là hợp thức giấy tờ. Điều này có nghĩa, khi giá thấp Việt Nam đã bán hết càphê còn khi giá cao các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu bán lại lượng càphê mua của Việt Nam để kiếm lời.

Ông Nam cũng cho biết thêm hiện các doanh nghiệp càphê nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý mua càphê, tăng 35% so với năm trước và với tình hình này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua trên sân nhà.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vinacafe cho biết bài học kinh nghiệm rút ra từ việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam năm qua đang tạo sức ép khá lớn với doanh nghiệp càphê Việt Nam.

Họ có thuận lợi lớn vì họ có tài chính vững, nếu sử dụng tiền vay ngân hàng thì cũng có lợi hơn doanh nghiệp Việt Nam bởi họ chỉ vay USD với lãi suất 3%, còn doanh nghiệp Việt Nam vay với lãi suất 8%, chênh nhau 5%, rất bất hợp lý và lợi thế lớn cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đó là chưa kể để cần bao nhiêu có bấy nhiêu, đầu ra của họ lại thuận lợi hơn bởi họ đã kinh doanh hàng trăm năm, các khách hàng của họ có từ lâu đời.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tồn tại cùng họ với lợi thế riêng của mình là kinh doanh ngay trên đất nước mình, giá thành công nhân, kho bãi của mình…

Nếu có phương án kinh doanh tốt và sự kết hợp với những người kinh doanh chặt chẽ, cộng với sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng, chính sách nhà nước thì ngành càphê Việt Nam vẫn kinh doanh hiệu quả.

Đổi mới phương án kinh doanh

Tại cuộc họp, ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng cần thiết phải thay đổi phương thức kinh doanh. Phải mua tạm trữ càphê ngay từ đầu vụ để có lợi cho cả người sản xuất và nhà kinh doanh.

Ông Nguyễn Công Hoàng khẳng định, mua tạm trữ hiện nay không phải như mua tạm trữ trước đây là dùng hoàn toàn cơ chế, tài chính của nhà nước để mua và giữ hàng lại mà hiện nay tạm trữ cũng là một công cụ kinh doanh.

Ở thời điểm đầu vụ, hầu hết nông dân đều có nhu cầu bán hàng để trang trải chi phí như con cái học hành, trả nợ ngân hàng… nên phải bán ra một lượng hàng lớn, nhiều người bán cùng một thời điểm khi nào cũng làm giá hạ thấp xuống.

Vì vậy doanh nghiệp nên chủ động mua hàng vào nhưng để đảm bảo doanh nghiệp có điều kiện giữ hàng lại và chờ đợi cần có sự hợp tác của ngân hàng, ngoài ra khi doanh nghiệp mua hàng vào thì phải mua bảo hiểm cho số hàng đó, đây là phương thức kinh doanh mới và cần có sự phối kết hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp chặt chẽ, doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm các ngân hàng có thiện chí thực sự muốn hợp tác.

Ông Hoàng cho biết thêm, riêng Vinacafe sẽ đổi mới kinh doanh bằng cách thống nhất từ trên xuống dưới, các doanh nghiệp kinh doanh phải thực hiện an toàn nhất, chủ động mua hàng, bán hàng và lấy mục tiêu cao nhất là bảo toàn vốn và lợi nhuận, dứt khoát không chạy theo số lượng.

Việc đoàn kết giữa các doanh nghiệp càphê hiện nay trở thành điều kiện sống còn của ngành càphê Việt Nam, đây là ý kiến thống nhất của hầu hết các doanh nghiệp.

Cũng bàn về đổi mới phương pháp kinh doanh, ông Đỗ Hà Nam cho biết thực tế hiện nay là không có nghĩa mua vào giá cao thì bán ra phải giá cao hơn. Dự báo giá càphê ở Việt Nam sắp tới sẽ giảm rất nhanh, đây là bài toán khó chỉ có thể giải bằng cách: thứ nhất là bằng mọi giá đưa được hàng vào sàn giao dịch London như vậy sẽ đảm bảo có lời mặc dù mua giá cao bán giá thấp.

Thứ 2 là tăng cường lượng khách hàng khác mà ta có thể cạnh tranh bằng cách mua. Thứ 3 là doanh nghiệp càphê Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ các công ty nước ngoài trong việc bị xé nhỏ. Nếu chúng ta kết hợp lại được thì tạo thành lực rất mạnh và nước ngoài buộc phải bắt tay để các bên cùng có lợi.

Sẽ mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn càphê/niên vụ

Tại cuộc họp, Chủ tịch Câu lạc bộ G20 thông báo, Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã thống nhất từ niên vụ này trở đi, các doanh nghiệp thuộc Vicofa sẽ mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn/niên vụ, thời gian tạm trữ là 3 tháng do Cafecontrol kiểm định số lượng và chất lượng.

Theo Vicoffa, đây là mức tạm trữ hợp lý nhất cho cả nông dân và doanh nghiệp. Riêng niên vụ 2011-2012, hiện các doanh nghiệp đăng ký tham gia tạm trữ đã đạt con số 425.000 tấn với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Quân đội.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, quan điểm của Hiệp hội là năm nào cũng phải mua tạm trữ ngay từ đầu vụ, mua hàng cho người nông dân để đảm bảo từ thời kỳ đầu bình tĩnh khi bán hàng ra, không bán hàng ồ ạt làm cho giá xuống. Đây chỉ là phương án mang tính tạm thời nhằm điều tiết thị trường. Chúng ta còn nhiều ngách đẩy hàng từ đợt đầu nhờ vào những thị trường như Malaysia dù họ là nước xuất khẩu càphê nhưng năm nào vào đầu vụ cũng mua hàng từ Việt Nam rất nhiều.

Đặc biệt, việc tạm trữ không nên chỉ trông chờ vào Chính phủ mà phải hợp tác với ngân hàng để có vốn mua hàng vào, nhưng điều kiện hàng phải vào kho, kiểm hàng, như vậy ngân hàng sẵn sàng ứng vốn. Khi hàng đã vào kho thì phải coi đây không phải kho trữ hàng mà phải được luân chuyển… đảm bảo khi giá lên bán được ngay giá xuống mua vào. Ngay cả với cách thức mua giá cao bán giá thấp thì vẫn có cơ hội điều tiết thị trường.

Theo ông Lương Văn Tự, dự báo sản lượng càphê niên vụ 2011-2012 của cả nước khoảng 1-1,2 triệu tấn, giá thu mua dao động mức 45 triệu đồng/tấn. Năm nay, dự báo càphê sẽ vào vụ sớm hơn khoảng 1 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục