Doanh nghiệp dệt may ký nhiều hợp đồng xuất khẩu

Tín hiệu vui từ ngành dệt may khi nhiều doanh nghiệp dệt may lớn đã tìm được một số hợp đồng sản xuất cho đến hết tháng 10.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mới đây một số doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam đã tìm được một số hợp đồng sản xuất cho đến hết tháng 10 năm nay.

Cùng với đó, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) bắt đầu có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam xuất sang Nhật được miễn thuế có thể kéo lượng hàng xuất khẩu tăng thêm khoảng 15%.

Theo thống kê của Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, đơn hàng tăng nhiều nhất từ đầu năm đến nay vẫn là thị trường Nhật. Các đơn hàng từ Mỹ bị giảm do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nay đang bắt đầu hồi phục và thị trường Mỹ, EU cũng bắt đầu ổn định.

Các doanh nghiệp chủ động thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu, Mỹ từ vị trí ưu tiên số 1 nay đã xuống hàng 2, 3, thay vào đó, thị trường Nhật chiếm ví trí ưu tiên.

Tại công ty May Sài Gòn 3, các đơn hàng xuất khẩu đi Nhật chiếm 60% đơn hàng sản xuất. Nhờ vậy, so với năm trước, hàng xuất khẩu sản xuất tăng thêm 10%.

Công ty may Việt Tiến tìm cách duy trì thị trường xuất khẩu hiện có bằng các đơn hàng khó, chất lượng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tập trung nâng cao các đơn hàng đi vào thị trường Nhật Bản nhằm bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ.

Hiện nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 33,3%, tiếp sau đó là Mỹ 23%, EU 26,5% và các thị trường khác là 17,2 %.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cho rằng thị trường mua hàng xuất khẩu may mặc lớn nhất là Mỹ đang giảm sản lượng mua hàng, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho khoản giảm từ thị trường Mỹ.

Trung Đông đang tiêu thụ nhiều nhất là các loại quần áo cotton của Việt Nam, thị trường Nga tiêu thụ chủ yếu quần áo trẻ em, quần jean, áo jacket… Tổng kim ngạch xuất sang thị trường mới này đang nhích dần lên, vào khoảng 4- 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Lợi thế khác của hàng dệt may Việt Nam là từ trước đến nay, giá sản phẩm của Việt Nam chưa cao, trong bối cảnh này, nhiều thị trường đều ưu tiên cho hàng từ Việt Nam hơn.

Theo báo cáo của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm may mặc (AEPC) của Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ đạt đến 10,08 tỷ USD, tăng so với mức 8,4 tỷ USD trong năm 2008 do một số thị trường lớn như Mỹ và châu Âu thích nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp Hội Dệt May Việt Nam đặc biệt quan tâm là khi các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu tăng, tình trạng thiếu hụt lao động càng thể hiện rõ hơn.

Dự kiến khả năng xuất khẩu cả năm đạt đến 9,5 tỉ USD khó có thể thực hiện được, nhưng đạt mức tương đương năm ngoái từ 9 đến 9,1 tỉ USD là nằm trong tầm tay với tốc độ đang gia tăng hàng từ các công ty may xuất khẩu./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục