"Đừng cho rằng TPP là chuyện trên trời”

“Doanh nghiệp đừng cho rằng TPP là chuyện trên trời”

Nhiều doanh nhân trong nước mới dừng lại ở những bước tìm hiểu sơ lược về TPP và thậm chí còn cho là vẫn sớm để quan tâm đến vấn đề này.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng là một FTA của thế kỷ 21, mà 12 nước thành viên (trong đó có hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản) đang quyết tâm hoàn tất vào cuối năm 2013.

Theo các chuyên gia kinh tế, vào WTO được xem là bước hội nhập theo chiều rộng thì việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) là hình thức hội nhập theo chiều sâu, với các cam kết mạnh mẽ và nhiều lĩnh vực hơn, mức độ tác động tới tương lai của nền kinh tế cũng như mỗi ngành cũng lớn và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nhân trong nước mới dừng lại ở những bước tìm hiểu sơ lược và thậm chí còn cho là vẫn sớm để quan tâm đến vấn đề này.


Cứ xuống nước là biết bơi?

Sau hơn chục năm ăn nên làm ra với chuỗi cửa hàng tạp hóa, song đến nay bà Nguyễn Thị Ánh, một chủ cơ sở kinh doanh bán lẻ tại Hà Nội đã phải chuyển đổi hoạt động kinh doanh trong sự nuối tiếc, ngậm ngùi.

“Từ năm 2010 đến nay, buôn bán rất khó khăn. Siêu thị có ở khắp nơi, khách hàng quen chạy sang đó hết, chỉ nhỡ nhàng thì họ tới mua vài thứ lặt vặt và thỉnh thoảng có thêm vài khách vãng lai. Do đó, lợi nhuận kinh doanh không đủ chi phí thuê mặt bằng và trả lương cho nhân viên,” bà Ánh lý giải nguyên nhân đóng cửa hàng của mình.

Khi được hỏi về hội nhập, các cam kết thương mại song phương, đa phương của Việt Nam với quốc tế thì bà Ánh ngơ ngác. Tuy nhiên bà Ánh cũng cho rằng, sự gia nhập của hàng hóa ngoại cùng sự có mặt của các đối thủ nước ngoài “nặng ký” trên thị trường nội địa là điều tất yếu.

Chấp nhận nhảy xuống “nước” và thực hành “bơi” luôn, trong khi vẫn chưa nắm chắc kỹ thuật “bơi” đang là thực tiễn diễn ra không chỉ đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ mà nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh lớn cũng bị rơi vào thế bị động như vậy.

Ông Đỗ Hải Triều, Trưởng ban Kỹ thuật và Marketing, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) chia sẻ, sau ký kết WTO doanh nghiệp bị ảnh hưởng quá nhiều về nguồn nguyên liệu, giá cả đầu vào, kỹ thuật… song muốn tồn tại thì phải thích ứng, theo đó Công ty đã phải rất nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh về giá và chất lượng để duy trì, phát triển thị phần ngay trên sân nhà.

Mặc dù theo lộ trình của WTO tới năm 2015 sản phẩm bóng đèn mới bị ảnh hưởng, song trên thực tế các đối thủ quốc tế đã đón trước cơ hội và tham gia hoạt động sản xuất ngay trong thị trường nội địa. Rút kinh nghiệm đó, Ban giám đốc của RAL đã mời chuyên gia kinh tế hàng đầu đến nói về những cơ hội và sự ảnh hưởng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương tới RAL khi TPP đi vào thực hiện.

Tuy nhiên, ông Triều cũng chỉ ra, với một buổi nói chuyện của chuyên gia cộng thêm những thông tin thu lượm từ các cơ quan truyền thông thì những nhà hoạch định chiến lược kinh doanh như ông cũng chỉ dừng lại ở mức độ “biết” là có TPP mà chưa thực sự “hiểu” về những gì sẽ xảy và tương lai tác động đến công ty của mình cụ thể như thế nào.

Ở một khía cạnh khác, ông Đặng Minh Quang, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho rằng, ở góc độ cá nhân các nhà quản lý doanh nghiệp vẫn có ý thức theo dõi những thông tin về tiến trình đàm phán Hiệp định TPP.

Nhưng ông Quang nhìn nhận, thời điểm nền kinh tế khó khăn hiện nay, hầu hết các công ty còn phải bề bộn với các hoạt động tái cấu trúc để tồn tại. Do đó, việc tổ chức tìm hiểu sâu sắc và đưa ra các đối sách chiến lược đón trước tiến trình hội nhập của TPP có vẻ là chưa đủ điều kiện.

“Hơn nữa, sản phẩm của Sơn Hà có đặc thù riêng và thị trường chủ yếu là phân phối bán lẻ nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều khi TPP đi vào thực hiện,” ông Quang nhận định.


TPP... gõ cửa

Theo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế, xã hội sau 5 năm gia nhập WTO từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 1995 trở lại đây Việt Nam đã có bước tiến dài trong quá trình hội nhập, bằng các hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc…, các hiệp định đa phương như AFTA, ASEAN+, WTO và sắp tới đây sẽ là TPP, RCEP ASEAN+6 (Hiệp định khu vực về đối tác toàn diện)…

Với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, vốn đầu tư, mở rộng thị trường… nhưng bên cạnh đó cũng luôn có những thách thức khó lường.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau quá trình gia nhập WTO, khu vực nội địa yếu đi nghiêm trọng trong khi khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên. Thực thế cho thấy, lực lượng doanh nghiệp trong nước thực lực khá yếu, liên kết thiếu tầm nhìn hạn chế và quản trị còn yếu kém.

Báo cáo phát triển của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2002-2011 từ VCCI cũng cho thấy, khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Các doanh nghiệp ít chú trọng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường và phân phối sản phẩm của mình ở trong nước cũng như quốc tế.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, khi chuẩn bị gia nhập AFTA, WTO…  và nay là TPP, khiếm khuyết của chúng ta là quan tâm hào hứng với tinh thần hứng khởi, song công tác truyền thông để làm cho các doanh nghiệp hiểu thì còn kém. Nhưng nói đi phải nói lại, các doanh nghiệp cũng không chủ động quan tâm, khi mời đến hội thảo thì không tham dự, mở website cũng không xem, in tài liệu  không ai dùng.

“Nhà nước làm chưa tốt còn các doanh nghiệp chưa quan tâm, cái này phải làm theo hai chiều. Đừng cho rằng TPP là chuyện trên trời, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu xem nó liên quan những vấn đề gì của mình, để biết mà tránh.

Theo tôi, đây là một điểm chốt để rút kinh nghiệm từ việc tham gia vào hội nhập trước đó, không làm tốt thì mình sẽ không được hưởng bao nhiêu, rồi lại bị thiệt hại không đáng có,” Nguyên Phó thủ tướng khuyến cáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục