Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại An Giang

An Giang đã chuẩn bị nhiều khu đất sạch để mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đến khảo sát, đầu tư xây dựng các siêu thị, ưu tiên phân phối các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của An Giang và Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại An Giang ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ngày 21/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tiếp và làm việc với Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn-Việt và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu về thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại, kết nối giao thương và mở rộng thị trường, phân phối sản phẩm giữa doanh nghiệp An Giang và Hàn Quốc.

Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang đã giới thiệu đến đoàn công tác Hàn Quốc về tiềm năng, cơ hội hợp tác mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; trưng bày, giới thiệu với đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh An Giang để giới thiệu và kết nối giao thương, định hướng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc.

Theo đánh giá của Sở Công Thương An Giang, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu sắc, thị trường xuất khẩu có những xáo trộn và đứt gãy.

Hoạt động kết nối thương mại quốc tế vì thế phần nào cũng đã bị chậm lại. Do vậy, việc tăng cường xuất khẩu thông qua tập đoàn, hệ thống phân phối lớn như Hàn Quốc là giải pháp hữu hiệu, có thể giúp các sản phẩm, doanh nghiệp An Giang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

[Việt Nam-Hàn Quốc tăng hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng]

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cho biết An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh, hằng năm sản xuất lúa đạt khoảng 4 triệu tấn, sản lượng thủy sản đạt khoảng 500 ngàn tấn, sản lượng rau màu đạt trên 700 ngàn tấn; ngoài ra còn có các vùng cây ăn trái chủ lực như xoài, chuối đạt khoảng 180 ngàn tấn/năm…

Tỉnh cũng hình thành các ngành công nghiệp khác nhau, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản là mũi nhọn.

Hiện sản phẩm nông, thủy sản của An Giang đã có mặt tại nhiều quốc gia và thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng. Các sản phẩm xuất khẩu của An Giang đáp ứng quy định xuất khẩu của các thị trường Mỹ, EU...

Tỉnh cũng có nhiều lợi thế trong việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tạo lập các mô hình liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh.

Hàn Quốc hiện nay là một trong những quốc gia có nhiều hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương với Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động giao thương của doanh nghiệp tỉnh An Giang và doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường.

Sở Công Thương An Giang mong muốn sau buổi làm việc Ủy ban hỗ trợ kinh tế Việt-Hàn sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh An Giang cung cấp thêm thông tin, yêu cầu cụ thể, triển vọng hợp tác phát triển thương mại và xu thế phát triển để các doanh nghiệp tỉnh An Giang có được cái nhìn toàn diện hơn. Từ đó, có định hướng điều chỉnh phù hợp nhằm sớm đưa được các sản phẩm của mình xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, nhấn mạnh, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng thời gian qua An Giang vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động bình thường, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho thị trường thế giới.

Tỉnh An Giang được chính phủ giao phát triển 3 sản phẩm chủ lực quốc gia gồm cá tra, lúa gạo và trái cây. Hiện các doanh nghiệp trong tỉnh tự tìm đối tác xuất khẩu riêng, nên còn tình trạng cạnh tranh về thị trường, giá cả, từ đó chưa thể liên kết để tạo nên sức mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư hy vọng thời gian tới tỉnh An Giang sẽ đại diện cho các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ký kết hợp tác với Tập đoàn Marketbridge, Hàn Quốc trở thành trung tâm phân phối toàn cầu. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tỉnh An Giang và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên kết xuất khẩu và bình ổn về giá cả.

Để làm được điều này tỉnh sẽ làm việc với Tập đoàn Marketbridge đặt Trung tâm kiểm nghiệm sản phẩm xuất khẩu tại An Giang để sản phẩm xuất khẩu của An Giang và các tỉnh trong khu vực đáp ứng yêu cầu của Tập đoàn xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ…

Ông Trần Anh Thư cũng thông tin với các doanh nghiệp Hàn Quốc, tỉnh đã chuẩn bị nhiều khu đất sạch để mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đến khảo sát, đầu tư xây dựng các siêu thị, ưu tiên phân phối các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của An Giang và Hàn Quốc đến tay người tiêu dùng An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đề nghị của lãnh đạo tỉnh An Giang, ông Shin Jaedong - Giám đốc điều hành Tập đoàn Marketbridge, Hàn Quốc mong nhận hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh An Giang thành lập công ty tại An Giang để có mở các siêu thị tại An Giang để kết nối, phân phối sản phẩm của doanh nghiệp An Giang và của Hàn Quốc đến tay người tiêu dùng.

Ông Shin Jaedong khẳng định với kinh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật, phía tập đoàn có thể hỗ trợ An Giang nhanh, gọn các thủ tục để đưa sản phẩn An Giang xuất khẩu qua thị trường Hàn Quốc và các thị trường khó tính trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban hỗ trợ kinh tế Việt-Hàn, ông Kwon Jae Haeng cho biết Ủy ban hỗ trợ kinh tế Việt-Hàn hiện đang hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc xúc tiến đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

Ủy ban hỗ trợ kinh tế Việt-Hàn cũng sẵn sàng làm cầu nối giúp doanh nghiệp An Giang cấp phép các giấy phép, chứng chỉ cho các sản phẩm chủ lực của xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các thị trường khó tính khác.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp An Giang cũng giới thiệu với các doanh nghiệp Hàn Quốc các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh như cá tra, gạo... Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh để kết nối giao thương, định hướng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới.

Các thành viên đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cũng giới thiệu với lãnh đạo An Giang, các doanh nghiệp tỉnh về các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, mong muốn hợp tác thương mại, phân phối phân phối sản phẩm qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các lĩnh vực quan tâm đầu tư và có thể giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh An Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục