Doanh nghiệp là 'đầu tàu' dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về tiềm năng cũng như định hướng phát triển ứng dụng thành tựu KHCN về chế biến, bảo quản.
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Để đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 mức kỷ lục 41,3 tỷ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 13 trên thế giới có sự đóng góp rất lớn của lực lượng doanh nghiệp; trong đó có những tập đoàn lớn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ về chế biến, bảo quản.

Trước thềm năm mới 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về tiềm năng cũng như định hướng phát triển lĩnh vực này thời gian tới.   

- Xin Bộ trưởng cho biết tình hình phát triển, đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản thời gian gần đây?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng.

Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu có công suất thiết kế đảm bảo chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm.

[Nâng cao giá trị nông sản Việt: Cần một chiến lược toàn diện]

Ngoài ra, hàng chục nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp cả nước thực hiện sơ chế và chế biến chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáng chú ý, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Lavifood, Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Biển Đông…

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực.

Cụ thể, năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Như vậy, từ năm 2018 đến nay, đã có 30 dự án với tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng đi vào hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, Bộ đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tích cực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản đã mở ra thị trường thế giới rộng lớn với trên 185 nước và vùng lãnh thổ tiêu thụ nông sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đang là những tác nhân quan trọng, là đầu tàu trong việc dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Doanh nghiệp là 'đầu tàu' dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản ảnh 1(Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

- Có sự phát triển “thần tốc” như vậy, nhưng liệu ngành công nghiệp chế biến nông sản trong nước còn điều gì khiến Bộ trưởng chưa hài lòng không?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tuy có sự phát triển như vậy, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, cơ sở chế biến phần lớn quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm chế biến không ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên giá bán nông sản Việt Nam thấp so với các nước khác. Việc tổ chức liên kết sản xuất-chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, cơ giới hoá, tự động hóa còn hạn chế, năng suất thấp, giá thành sản xuất và tổn thất sau thu hoạch cao; sản phẩm chủ yếu còn thô với khoảng 70%, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú nên việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam còn hạn chế.

- Nông nghiệp Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cần khai thác, ngành sẽ đặt mục tiêu như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp vào năm 2030, ngành cần phải đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp phát triển ngang tầm thế giới.

Trong thời gian từ nay đến 2030, ngành sẽ chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc. 

Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Bên cạnh phát triển các công ty, tập đoàn lớn hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, ngành cũng sẽ chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân.

Ngành sẽ ưu tiên phát triển các mặt hàng mang thương hiệu sản phẩm Quốc gia bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao; đồng thời tập trung phát triển chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất, những ngành hàng là các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia như: gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, sản phẩm chăn nuôi...

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành cũng phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.

Đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất; xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu-đào tạo-sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu tư nhân và các viện gắn với doanh nghiệp.

- Bộ trưởng gửi những tín hiệu thị trường như thế nào đến các doanh nghiệp để họ sẵn sàng mạnh dạn đầu tư vào ngành hơn nữa?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải khẳng định rằng cơ hội, tiềm năng phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản Việt Nam thị trường trên thế giới trong thời gian tới là rất lớn. 

Theo đánh giá của Tổ chức phát triển công nghiệp liên hợp quốc tại Việt Nam (UNIDO), công nghiệp chế biến thực phẩm toàn cầu có tổng quy mô thị trường năm 2015 đạt 6.300 tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 7.700 tỷ USD.

Trong những năm gần đây công nghiệp chế biến thực phẩm có sự phát triển cao và tương đối ổn định ở mức từ 4,8-5,1%/năm và khả năng đạt 5,4% vào năm 2020.

Hiện nay, thế giới có 15 thị trường lớn có quy mô tiêu dùng trên 100 tỷ USD gồm một số nước khu vực châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Đây là những thị trường Việt Nam có thể tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là đã ký kết và thực hiện 13 Hiệp định thương mại (FTAs) đa phương và song phương, đồng thời đang tiếp tục đàm phán thêm.

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, cũng như tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển, tranh thủ được vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn lực quan trọng khác.

Đây là cơ hội để Việt Nam phát huy những lĩnh vực có thế mạnh, lợi thế so với các nước để cất cánh phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục