Doanh nghiệp Nga sẽ hỗ trợ nhiều công nghệ cao áp dụng vào Việt Nam

Dự án dài hạn “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới” hỗ trợ doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, mở rộng khả năng hội nhập và đổi mới công nghệ.

Ngày 28/9, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã tổ chức họp báo về giai đoạn mới trong khuôn khổ Dự án dài hạn “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới.”

Dự án dài hạn “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới” được bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2012 dưới sự bảo trợ của Viện Duma Quốc gia, Hội đồng Liên bang Nga và Liên hiệp các khu vực đổi mới công nghệ Nga.

Đây là một dự án kinh doanh dài hạn giữa Nga và Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, mở rộng khả năng hội nhập và đổi mới công nghệ giữa hai nước.

Tại buổi họp báo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ (RISME) Phạm Thế Hưng cho biết hợp tác khoa học, công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có truyền thống từ lâu. Liên bang Nga là một trong số những nước đi đầu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ vì vậy có nhiều kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi.

Hiện nay, trong hợp tác kinh tế, Việt Nam-Liên bang Nga đã có nhiều hướng phát triển mới mạnh mẽ hơn. Nằm trong khuôn khổ dự án, Việt Nam đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp Nga đến thăm làm việc và tổ chức được nhiều cuộc ký kết.

Trong giai đoạn mới của Dự án, các doanh nghiệp Nga sẽ hỗ trợ nhiều công nghệ cao có thể áp dụng vào Việt Nam. Thông qua các hoạt động lần này, các doanh nghiệp Việt Nam-Nga sẽ trao đổi với nhau để tìm ra nhiều cơ hội trong những lĩnh vực có khả năng hợp tác, liên doanh liên kết.

Bà Strozhaeva Lubov Victorovna, Chủ nhiệm Dự án “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới” nhấn mạnh: "Việt Nam và Nga có truyền thống hữu nghị lâu đời. Trong những năm gần đây, mối quan hệ ngày càng được phát triển trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực khoa học và công nghệ cao. Tham gia giai đoạn mới của dự án lần này có rất nhiều đoàn nghiên cứu về công nghệ cao của Nga sẵn sàng làm việc, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp của Nga tham gia giai đoạn này của dự án cũng sẵn sàng thành lập các xí nghiệp liên doanh ở Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ cao."

Tham gia giai đoạn mới của dự án “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới” lần này có nhiều viện nghiên cứu, công ty công nghệ cao của Nga như: Viện nghiên cứu khoa học Atoll, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Аvrorа-М, Công ty Cổ phần mở Dalsroymechanizatsia, C ông ty Trách nhiệm hữu hạn Bipron, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uvicom, Công ty Cổ phần mở Minskmetroproekt, Liên hợp nghiên cứu khoa học-sản xuất Polius, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nanoserv.

Từ ngày 28/9 đến hết ngày 2/10, Đoàn doanh nghiệp Liên bang Nga trong khuôn khổ Dự án sẽ có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến thăm làm việc sẽ diễn ra các buổi gặp gỡ của đoàn với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế; làm việc với các doanh nghiệp, công ty thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga (VRB).

Các hoạt động của Đoàn doanh nghiệp Nga lần này sẽ tạo động lực cho việc tăng cường phát triển hợp tác công nghệ, đặc biệt trong hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ vừa và nhỏ của hai nước.

Dịp này, Đoàn doanh nghiệp Liên bang Nga cũng sẽ tham dự hội nghị bàn tròn được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm công nghệ quốc tế “Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015” (International Techmart Vietnam 2015)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục