Doanh nghiệp nội bứt phá: Dấu hiệu của tăng trưởng bền vững?

Một trong những điểm nhấn rõ nét của kinh tế 6 tháng đầu năm chính là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã vượt khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Doanh nghiệp nội bứt phá: Dấu hiệu của tăng trưởng bền vững? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có nhiều tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một trong những điểm nhấn rõ nét chính là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã vượt khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

[Lượng than tồn kho của TKV giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm]

Nhiều dự án được cắt lỗ

Thông tin tại hội nghị giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/7, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) thông tin thêm, trong nửa đầu năm 2018, khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã mức trưởng xuất khẩu đạt 19,9%, vượt xa cả mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (khi chỉ đạt ở mức 14,5%).

Quan trọng hơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đà tăng này đã được ghi nhận trong một khoảng thời gian liên tục, kéo dài từ những tháng cuối năm 2017 đến nay, đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Trong khi đó, dấu hiệu khởi sắc của khu vực doanh nghiệp nội cũng được ghi nhận ở nhiều dự án, nhất là những dự án nằm trong diện thua lỗ của ngành công thương thời gian qua.

Thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong 4 dự án thua lỗ của ngành hóa chất, hiện một số dự án đã có lãi. Đáng chú ý là số lãi của một doanh nghiệp đã cao hơn năm 2017, khi đạt con số 80 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã có dự án cắt được lỗ với mức giảm khoảng 150 tỷ đồng so với năm 2017, điều này giúp cho lợi nhuận của toàn tập đoàn tăng lên.

Có được kết quả trên, theo Chủ tịch Vinachem là nhờ sự chủ động trong việc sắp xếp lại cơ cấu bộ máy cũng như tính toán lại chi phí sản xuất kinh doanh, kể cả việc tiêu hao năng lượng và lao động tại các đơn vị.

"Những đơn vị cắt lỗ này thì xấp xỉ 50% cắt giảm được thông qua việc chi tiêu, thực hành tiết kiệm còn 50% là nhờ tăng giá bán," ông Nguyễn Phú Cường nói.

Còn theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), dù điều kiện sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của tập đoàn ước đạt 2.000 tỷ, trong đó khối than đạt 930 tỷ đônhg, Alumi lãi 500 tỷ đồng và lĩnh vực hoá chất mức lãi là 50 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nội bứt phá: Dấu hiệu của tăng trưởng bền vững? ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sự bứt phá mang tính bền vững?

Nhìn vào bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu đã có nhiều điểm sáng, đặc biệt việc tăng trưởng đã đi vào chiều sâu và lan tỏa trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Phân tích thêm, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhiều chỉ tiêu đạt được đã có yếu tố tích cực và thể hiện tính bền vững, điều đó không chỉ bó hẹp trong một số sản phẩm chính như điện tử, điện thoại thông minh mà đã mở rộng ra nhiều ngành và sản phẩm khác như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản...

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh hơn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi đánh giá, qua nửa đầu năm khối doanh nghiệp này đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20%.

Dẫn chứng thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập tới lĩnh vực chế biến nông lâm sản (là lĩnh vực mà doanh nghiệp nội chiếm đa số), đã đạt mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng này đem về khoảng 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD...

Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cũng được ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh hơn khi cho rằng, việc chuyển động của khối doanh nghiệp nội trong 6 tháng đầu năm đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, do đa phần có quy mô vừa và nhỏ nên các doanh nghiệp trong nước rất cần những hỗ trợ về công nghệ, vốn và trình độ quản lý.

Do vậy, ông Phương cũng kiến nghị về phía Nhà nước cần có nhiều cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp doanh nghiệp trong nước chủ động nguồn nguyên liệu và cả nguồn vốn ưu đãi, qua đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới sự phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục