Doanh nghiệp phải bỏ 'chi phí ngầm' cho các bộ, ngành thế nào?

Hàng trăm doanh nghiệp cho biết có chi trả khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành cụ thể tại các bộ, ngành.
Doanh nghiệp phải bỏ 'chi phí ngầm' cho các bộ, ngành thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều chỉ tiêu về tiếp cận thông tin, việc thực hiện thủ tục hải quan hay sự phục vụ của công chức hải quan đã nhận được nhiều sự hài lòng từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những kết quả theo cách nói của lãnh đạo Tổng cục Hải quan là "chưa vui."

Đó là một phần trong kết quả "Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018" vừa được công bố ngày 8/1. Đây là kết quả hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Nhiều điểm tích cực

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các hạng mục chính của khảo sát là: Tiếp cận thông tin; Đánh giá về việc thực hiện thủ tục hải quan; Về sự phục vụ của công chức hải quan; Thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành; Về Cổng thông tin Một cửa quốc gia; Chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.

Cuộc khảo sát được thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2017 tới tháng 5/2018 với 3.061 doanh nghiệp.

[Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp]

Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với cuộc khảo sát trước đó hồi năm 2015.

Về tiếp cận thông tin, 91% doanh nghiệp tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất, 90% doanh nghiệp đánh giá thông tin thủ tục hành chính sẵn có dễ tìm. Trong cuộc khảo sát hồi năm 2015, những tỷ lệ này thấp hơn, lần lượt là 77% và 81%.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng bóc tách, vẫn có 56% doanh nghiệp cho biết đã từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục

Về thực hiện thủ tục hải quan, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy có sự thay đổi tích cực trong cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục hành chính hải quan so với năm 2015. Ví dụ, trong khảo sát năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi khi thực hiện thủ tục trong thông quan là 50%. Trong khi ấy, kết quả này năm 2015 chỉ là 26%.

Với khâu kiểm tra hồ sơ trong thủ tục thông quan, điều tra năm 2018 cho thấy có 25% doanh nghiệp đánh giá là dễ và rất dễ trong khi năm 2015 chỉ là 10%.

Dù vậy, đại diện VCCI cũng nêu lên vấn đề: Cơ quan hải quan vẫn cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện nhất là một số thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là khó, rất khó vẫn cao hơn so với tỷ lệ đánh giá dễ, rất dễ. Cụ thể, thủ tục kiểm tra sau thông quan có tỷ lệ đánh giá khó, rất khó là 20% trong khi 13% đánh giá là dễ dàng. Hay, với giải quyết khiếu nại, có 20% số phản hồi đánh giá là khó khăn so với chỉ 11% đánh giá là dễ dàng.

Khảo sát năm 2018 cho thấy có tới 53% doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định mã số HS và 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện kiểm tra, xác định trị giá hải quan.

Ở trụ cột khảo sát khác sự phục vụ của công chức hải quan, theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của công chức hải quan năm 2018 ở mức cao/rất cao đã tăng đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2015. Cụ thể, năm 2018 có 46% DN đánh giá công chức hải quan văn minh, lịch sự khi tiếp xúc trong khi năm 2015 là 34%.

Tương tự, 45% doanh nghiệp cho biết công chức hải quan thực hiện đúng thẩm quyền (năm 2015 là 38%)

18% phải trả chi phí ngoài quy định

Một phần nhận được nhiều sự quan tâm là hạng mục "Chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu." Trong số hơn 3.000 doanh nghiệp được khảo sát có 2.832 doanh nghiệp cung cấp thông tin cho những câu hỏi về nội dung này.

Theo kết quả, có 56% doanh nghiệp cho biết không chi trả chi phí ngoài quy định. Ngoài ra, có 26% doanh nghiệp lựa chọn phương án “Không biết.”

Doanh nghiệp phải bỏ 'chi phí ngầm' cho các bộ, ngành thế nào? ảnh 2

Đáng chú ý, có 497 doanh nghiệp cho biết có chi trả loại chi phí này khi thực hiện các thủ tục hải quan, chiếm tỷ lệ 18%. Tỷ lệ này thấp hơn kết quả khảo sát năm 2015 (năm 2015 là 28%).

Chi phí ngoài quy định theo kết quả khảo sát chủ yếu ở thủ tục thông quan như kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa (lần lượt là hơn 83% và trên 87% số doanh nghiệp cung cấp thông tin). Một số lĩnh vực cũng xuất hiện chi phí ngoài quy định cao là thủ tục kiểm tra sau thông quan (51,64%), thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (48,8%), xử lý vi phạm hành chính (36,76%).

Cũng về chi phí ngoài quy định, có 212 doanh nghiệp cho biết có chi trả khoản này khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành cụ thể tại các bộ, ngành.

Cụ thể, hơn 50% trong số 212 doanh nghiệp trên cho biết có chi trả cho cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành là Bộ Công Thương. Tỷ lệ này tại một số bộ khác là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (34,43%), Bộ Giao thông Vận tải (29,72%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (23,11%),...

Nhìn lại kết quả khảo sát trên, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, nhiều chỉ số cải thiện nhưng một số cấu phần, chỉ tiêu vẫn phải xem xét, nhìn rõ thực trạng. Ông thừa nhận, cán bộ công chức một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định.

Tuy nhiên, ông tiết lộ, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có quy định định danh 300 hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực làm cơ sở giám sát trong ngành. Ông cũng nêu một trong những định hướng là trang bị hệ thống camera trực tuyến tại các điểm thông quan để "ngồi tại phòng giám sát tại tổng cục nhìn được anh em phía dưới thao tác."

Từ phía doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì đề nghị không ban hành thêm văn bản gây khó cho doanh nghiệp.

Ông thừa nhận phía hải quan rất cầu thị, có vướng mắc là tổ chức thảo luận giải quyết. Thế nhưng, theo ông "giá không có những thủ tục đó thì tốt hơn, doanh nghiệp không phải lo lắng." Từ đó, ông đề nghị trước khi ban hành các văn bản cần sự tính toán xem xét kỹ lưỡng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục