Doanh nghiệp tự “khám” xe xuất bến: Chi phí nhiều, lỗ hổng lớn!

Bến xe phải tổ chức dịch vụ “khám” xe thời gian ngắn trước lúc xe xuất bến để phương tiện đảm bảo an toàn giao thông trên đường.
Doanh nghiệp tự “khám” xe xuất bến: Chi phí nhiều, lỗ hổng lớn! ảnh 1Các xe khách cần được kiểm tra an toàn kỹ thuật trước khi xuất bến để đảm bảo an toàn giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải một số giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải như giao bến xe kiểm soát, điều chỉnh tần suất luồng tuyến hành khách; tổ chức dịch vụ “khám” xe thời gian ngắn trước lúc xe xuất bến đồng thời được in phát hành vé và kê khai nộp thuế theo hình thức ấn định.

DN tự “khám” xe: Đội chi phí 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, sau khi Thông tư 18/2013/TT-BGTVT đã có hiệu lực vào ngày 1/10 vừa qua, các doanh nghiệp và Hợp tác xã vận tải dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan quản lý tuyến đã có những chuyển biến tích cực về ý thức tham gia giao thông và trách nhiệm quản lý doanh nghiệp, mặt khác những đổi mới trong văn bản quản lý đã đưa lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Liên cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, các đơn vị vận tải vẫn tự mình đảm nhận việc việc bảo dưỡng xe thường xuyên và định kỳ mỗi khi xuất bến.

“Việc kiểm tra an toàn xe trước lúc bến xe ký lệnh xuất bến hàng ngày (gồm 14 chỉ tiêu), có chữ ký của lái xe và nhân viên của doanh nghiệp làm tăng thêm chi phí về nhân lực của doanh nghiệp vận tải,” ông Liên cho biết.

Chỉ ra những bất cập khi bản thân đơn vị vận tải phải tự tay “khám bệnh” cho phương tiện, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đưa ra dẫn chứng, một bến có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động sẽ kéo theo bằng đó số cán bộ kiểm tra kỹ thuật trực hàng ngày. Đối với tuyến đường dài như Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp chỉ có 1-2 xe thì không có điều kiện bố trí người kiểm tra trước lúc xuất bến tại bến xe Miền Đông, Ngã Tư Ga.....

Hơn nữa, theo ông Liên, hiện tại, đối với ngành đường sắt, tại các ga tác nghiệp đều có tổ khám xe kiểm tra má phanh, áp lực hơi, thử hãm xong mới ký lệnh chạy tàu. Tại Sây bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất... các bộ phận ở sân bay đều có trách nhiệm kiểm tra máy bay của tất cả các hãng hàng không trước khi cất cánh.

“Nếu bến xe tổ chức một bộ phận làm dịch vụ kiểm tra kỹ thuật, chắc chắn sẽ khách quan và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Tiền dịch vụ khám xe tại các bến xe được bến và hãng vận tải đưa vào Hợp đồng dịch vụ bến theo thỏa thuận,” ông Liên khẳng định.

Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước ngầm cho rằng, bến Nước ngầm luôn quản lý phương tiện, người lái thông qua hợp đồng vận tải khách; tài xế và nhân viên phục vụ phải mang thẻ ra vào do bến phát hành; khu vực bến không bán hàng rong, không có “cò mồi”...

“Việc giao quyền cho bến xe quản lý phương tiện, người lái là việc làm hoàn toàn chính xác bởi chính bến xe là đơn vị trực tiếp nắm rõ tình hình xe ra vào bến, phương tiện hoạt động thường ngày ra sao, dịch vụ của các hãng vận tải chất lượng như thế nào để từ đó có những quy định chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn giao thông mỗi khi xe xuất bến lưu thông ngoài đường,” ông Lập nói.

Thiếu "bắt tay," lỗ hổng lớn

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng đề nghị cho phép bến xe được in phát hành vé và kê khai nộp thuế theo hình thức ấn định.

Lý giải thực tế này, theo ông Liên, từ khi giao cho các doanh nghiệp tự in vé xe khách đã gây ra sự phiền toái và tốn kém cho các doanh nghiệp vận tải và các bến xe. Các doanh nghiệp tự kê khai giá cước, phát hành vé và ủy thác cho các bến xe bán vé gây lãng phí công sức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

"Các doanh nghiệp in số lượng ít giá thành rất cao, hàng tháng phải giao vé và quyết toán vé cho các bến xe, nhất là các doanh nghiệp ở xa các bến xe. Chưa kể, bến xe phải lập kho vé, phân phối vé và thống kê vé hàng tháng tốn khá nhiều nhân lực., thậm chí có trường hợp còn làm thất lạc cuống vé," ông Liên nói.

Để tiết giảm những chi phí này, ông Liên cho rằng, đơn vị vận tải vẫn có thể in vé để phục vụ bán vé trước, mở quầy bán vé, bán vé chặng đồng thời bến xe được phép in vé, phát hành vé cho hành khách theo sự ủy thác của đơn vị vận tải.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Hiệp hội Vận tải thành phố Hà nội cũng kiến nghị, các đơn vị vận tải và bến xe cần phải bắt tay nhau để điều chỉnh tần suất lượt phương tiện xuất bến của từng doanh nghiệp phù hợp với luồng hành khách theo từng thời điểm.

“Hiện nay, số khách tại bến xe giảm sút nên xảy ra hiện tượng xe không có khách, xe phải chạy lòng vòng bắt khách, vừa không an toàn vừa gây ô nhiễm, lãng phí xã hội. Nên chăng các bến xe và doanh nghiệp vận tải tùy theo từng tuyến, từng thời vụ nên thỏa thuận với nhau giảm bớt tần suất nhưng phải có sự thỏa thuận về kinh tế để đảm bảo nguồn thu giữa các bên,” ông Liên bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nay, bến chỉ có nhiệm vụ thu phí xe ra vào mà chưa có thẩm quyền “bắt bệnh” xem phương tiện có an toàn, lái xe có uống rượu bia không…

“Bến xe chỉ quản lý kinh doanh mà không làm chức năng quản lý Nhà nước. Đây đang là lỗ hổng lớn trong chính sách và cần phải có các quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn. Muốn làm được vấn đề này thì phải sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật,” ông Hiệp đánh giá./.

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Giao thông Vận tải thống kê từ 57 địa phương, tính đến tháng 7/2013, tổng số giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là 7.465 giấy phép, trong đó vận tải hành khách là 7.043 giấy phép; vận tải hàng hóa bằng container là 422 giấy phép.

Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định hiện có 543 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang hoạt động với cự ly trên 1.000km, khoảng 4.500 tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh; hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng có trên 10.000 xe; xe taxi có khoảng 40.000 xe…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục