Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào vượt khó thời dịch COVID-19

Thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) cho thấy đến hết tháng 9/2020, Việt Nam có hơn 400 dự án với số vốn khoảng 4,2 tỷ USD triển khai tại 17/18 tỉnh, thành phố của Lào.
Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào vượt khó thời dịch COVID-19 ảnh 1Phó Thủ tướng chính phủ Lào Somdee Duangdee (giữa) trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho LaoVietBank. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Thời gian qua, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nhân Việt Nam và Việt kiều đã có những đóng góp quan trọng được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong việc góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tài trợ cho các cơ quan ban ngành và thực hiện các công tác an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Lào, các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam và Việt kiều đang gặp phải một số những khó khăn, vướng mắc, nhất là đặt trong bối cảnh năm 2020 với đại dịch COVID-19, khiến cho hiệu quả đầu tư chưa đạt mức kỳ vọng.

Việt Nam đầu tư mạnh tại Lào

Thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) cho thấy đến hết tháng 9/2020, Việt Nam có hơn 400 dự án với số vốn khoảng 4,2 tỷ USD triển khai tại 17/18 tỉnh, thành phố của Lào.

Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào. Lào là nước nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn giải ngân lũy kế vào khoảng 2,3 tỷ USD.

Các dự án mới vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ vốn là thế mạnh của Lào và theo kêu gọi đầu tư của Chính phủ nước này.

Đến hết tháng 9/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 738,9 triệu USD, giảm 10,8 % so với cùng kỳ năm 2019 (828,1 triệu USD). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 422,2 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019 (505,1 triệu USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm xăng dầu, phân bón, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng... Nhập khẩu từ Lào về Việt Nam đạt 316,7 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 (323 triệu USD) với các mặt hàng chủ lực là cao su, phân bón các loại, quặng và khoáng sản...

[Doanh nghiệp Việt chia sẻ về các lĩnh vực thu hút đầu tư tại Lào]

Ngoài ra, đến hết tháng Chín năm nay, lượt khách Lào sang Việt Nam đạt 45.600 lượt, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các địa điểm ưa thích của du khách Lào bao gồm Hà Nội, Sapa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình... Ở chiều ngược lại, khách du lịch Việt Nam sang Lào đạt khoảng 5.000 lượt và chủ yếu diễn ra trong quý 1/2020.

Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cho an sinh xã hội mà các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tại Lào đến nay đạt xấp xỉ 71 triệu USD, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa.

Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Lào-Việt, đại diện cho Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Đó là nhiều hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước đã được ký kết nhưng cần được hướng dẫn triển khai cụ thể, giao thông vận tải giữa hai nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hai bên, dẫn tới chi phí vận tải khá lớn, các thủ tục hải quan giữa Việt Nam và Lào chưa thống nhất.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội doanh nghiệp Việt Nam và đầu tư tại Lào (BACI), cho rằng để hợp tác kinh tế tương xứng với mối quan hệ giữa hai nước, cần xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất, có các chính sách hỗ trợ đặc thù về vốn, nguồn lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, các doanh nghiệp Việt kiều đã làm ăn sinh sống tại Lào.

Chính phủ hai nước cũng cần có những hỗ trợ về thể chế, chính sách liên quan đến quyền sở hữu đất đai, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và lao động.

Ông cũng cho rằng hai ngân hàng Nhà nước và hai Chính phủ cần xem xét tạo điều kiện và cơ chế khuyến khích sử dụng đồng kip Lào và đồng Việt Nam để thanh toán thương mại giữa 2 quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, giảm áp lực cho tình hình thiếu hụt nguồn ngoại tệ, cũng như cơ chế tỷ giá như hiện nay...

Những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Lào cũng cần được tháo gỡ để hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, góp phần giúp kinh tế Lào phát triển, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào vượt khó thời dịch COVID-19 ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, với môi trường chính trị, xã hội ổn định và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Lào hiện là quốc gia có nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với quá trình hội nhập và các hiệp định thương mại mà Lào là thành viên như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Lào sẽ thực hiện nhiều cải cách về cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, Đại sử Nguyễn Bá Hùng cho rằng trong biện pháp kinh doanh đầu tư, các doanh nghiệp cần phải thích ứng, một mặt vẫn chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19 nhưng mặt khác vẫn phải cơ bản “sống chung với COVID-19” một thời gian nữa với những khó khăn và hạn chế trong đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục