Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Luật Xây dựng ban hành năm 2014, có hiệu lực năm 2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng.
Theo các đại biểu, về cơ bản, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật có tính khả thi cao. Vấn đề được cho nhiều ý kiến là quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép dài; còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép; vẫn còn tình trạng được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay Chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.
Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định việc miễn giấy phép xây dựng với đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, quy trình cấp giấy phép đã đơn giản hơn, bỏ bớt các công đoạn không cần thiết.
[Quy định rõ dự án được miễn phép xây dựng để tránh lạm dụng]
Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014. Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Hai Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều.
Hai luật cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đảm bảo an sinh, xã hội. Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi hai Luật.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn một số nội dung như: đổi mới nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai “đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu... ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển;” nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2030 đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tập trung đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, công trình đê điều; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này...
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn với 89,44% đại biểu tán thành.
Đề án thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc...
Quốc hội họp riêng, thảo luận ở Hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia./.