Đổi mới sáng tạo chính là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang có mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Đầu tư chưa tương xứng với mục tiêu
Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam,” ngày 15/12, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Lệ Thủy-Tổng Biên tập Tạp chí, nhấn mạnh hiện có đến 80% doanh nghiệp trong nước cho biết chưa hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp chia sẻ mới đầu tư khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%).
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD.
Trên bản đồ “đổi mới sáng tạo” năm 2021, Việt Nam đứng thứ 44/131 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam.
Về đầu tư cho đổi mới sáng tạo, tỷ lệ chi của Nhà nước cho khoa học công nghệ chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)... Về phía doanh nghiệp, khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã khiến lần đầu tiên GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý đến nay.
Trên thị trường, số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường cao kỷ lục khoảng 150.000 doanh nghiệp (kể từ đầu năm).
Trước thực tế này, Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh: “Chúng ta ngày càng nhận thấy rằng đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho khát vọng phát triển dài hạn.”
Nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính
Lý giải thực tiễn trên, tiến sỹ Chử Đức Hoàng, đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết nhiều doanh nghiệp nội địa chủ yếu là vừa và nhỏ, do đó gặp rất nhiều khó khăn để nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như trích lập quỹ phát triển.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề này, ông Hoàng cho biết với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, quỹ cam kết sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo gồm các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ (như mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ, bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh “khát vốn,” bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết với chức năng cho vay, tài trợ vốn, quỹ mong muốn hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.
“Các khoản vay với lãi suất ưu đãi, mức cho vay tối đa 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và thời gian lên tới 7 năm. Theo đó, các doanh nghiệp muốn vay vốn chỉ cần có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư,” bà Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết với chức năng nhiệm vụ của mình, NIC sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
“Hiện NIC đang có nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối các doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam,” ông Huy nói.
Tại hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin cơ quan này đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách.
Cụ thể, Nghị định 80/2021/NĐ-CP nêu rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số đồng thời được hỗ trợ chi phí về thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh (20 triệu đồng/doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/doanh nghiệp vừa).
Nhằm đảm bảo định hướng chung trong công tác hỗ trợ, bà Thủy cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu