Khai mạc Internet Day: Phục hồi, bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa

Internet Day 2021 do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) chủ trì với chủ đề “Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa" đánh dấu 10 năm liên tiếp sự kiện này được tổ chức.
Khai mạc Internet Day: Phục hồi, bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa ảnh 1Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức chương trình Internet Day 2021, với chủ đề "Phục hồi và Bứt phá trong Kỷ nguyên Dữ liệu hóa".

Năm 2021 cũng là năm đánh dấu sự kiện Internet Day Việt Nam được tổ chức 10 năm liên tiếp nhằm cổ vũ cho sự phát triển của Internet Việt Nam và kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu (ngày 19/11/1997). 

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng hiện nay, Internet không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu công việc của một số ít người như những ngày đầu tiên mà đã đến với mọi người và phục vụ tất cả mọi nhu cầu.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở cộng đồng hơn 100 doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ Internet mà sẽ hướng tới đồng hành cùng nhau mở rộng cộng đồng, đặc biệt là với lực lượng các doanh nghiệp mới, non trẻ, nhỏ và thậm chí cực nhỏ.

"Chúng ta không chỉ đơn thuần coi người sử dụng như một khách hàng mà sẽ cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái, môi trường để cùng phát huy hết tiềm năng của từng cá nhân, tổ chức để công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam phát triển một cách tích cực và hiệu quả," Phó Thủ tướng nói.

[Internet Day: Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số]

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đang rất quan tâm đến việc làm thế nào để ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Theo thứ trưởng, chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều liên quan đến vấn đề dữ liệu. Do đó, Việt Nam cần đào sâu về định hướng, giải pháp để khai thác hiệu quả dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế.

"Các quốc gia khác trên thế giới đã đi rất sớm về việc thành lập hành lang pháp lý cho dữ liệu. Việt Nam cũng đã xác định vai trò của dữ liệu, coi đây là tài nguyên để phát triển kinh tế. Tuy vậy, hành lang pháp lý để quản lý, khai thác, chia sẻ, kinh doanh dữ liệu của nước ta gần như bỏ trống," ông Long nói.

Khai mạc Internet Day: Phục hồi, bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa ảnh 2Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì vậy, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng về thể chế. Chuyển đổi số cần thể chế số và dữ liệu cần hành lang pháp lý để hoạt động. Trên cơ sở đó, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình chính phủ và quốc hội để ban hành các hành lang pháp lý cho vấn đề về dữ liệu.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác dữ liệu hiệu quả, Thú trưởng Phạm Đức Long cho rằng trước hết cần chuyển đổi nhận thức đối với vấn đề dữ liệu.

"Dữ liệu là tài nguyên của đất nước, nhưng 80% tài nguyên dữ liệu lại đang ở nước ngoài. Nhiều người chưa nhận thức được vấn đề này, do vậy cần ý thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu để bảo vệ và gìn giữ," ông Long nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chung tay xây dựng và phát triển hạ tầng số, trong đó có một hạ tầng quan trọng là hạ tầng dữ liệu. 

"Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn 65.000 doanh nghiệp công nghệ số sẽ đồng hành cùng 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam để hình thành 1 triệu doanh nghiệp số. Có như vậy, Việt Nam mới phát triển được một nền kinh tế số và bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4," ông Long cho hay.

Khai mạc Internet Day: Phục hồi, bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa ảnh 3Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, lần đầu tiên Ngày Internet Day Việt Nam tổ chức năm 2012, Việt Nam mới chỉ có 30,8 triệu người sử dụng Internet. Đến nay, theo báo cáo Economy SEA 2021 của Google & Temasek, nền kinh tế Internet Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.

"Việt Nam hiện đang là trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet Việt Nam là gần 70 triệu người. Trong đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều người  dùng có xu hướng sử dụng các dịch vụ Internet mới," ông Vũ Hoàng Liên chia sẻ. 

Tại Internet Day 2021, các diễn giả đã đưa ra nhiều tham luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề nóng liên quan đến dữ liệu số - “nguồn dầu mỏ của thế kỷ 21."

Sự kiện được ghi hình trực tiếp tại Hà Nội và sẽ được phát sóng trực tiếp trên các nền tảng số vào 08:00, ngày 21/12/2021 tại địa chỉ: https://2021.internetday.vn/

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục