“Điều quan trọng không phải thi môn nào, thi ở đâu mà phải làm nghiêm túc, trách nhiệm mới có tác dụng.” Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 29/7, tại Hà Nội.
Tại Hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra ba phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để lấy ý kiến của các địa phương.
Đảm bảo chất lượng kỳ thi
Các phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nêu rõ về số môn thi, thời gian thi.
Theo đó, phương án 1 sẽ có 8 môn thi gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Tổ chức thi trong 4 ngày.
Phương án 2 tích hợp 8 môn học trên với nhau thành 5 bài, thi trong 2,5 ngày, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Phương án 3 tích hợp triệt để hơn nữa các môn học phổ thông trong 4 bài thi Toán–Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ. Thời gian thi là 2 ngày.
Trước những đề xuất đổi mới này, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Điều quan trọng không phải thi môn nào, thi ở đâu mà phải làm nghiêm túc, trách nhiệm mới có tác dụng. Phải tổ chức trông thi, chấm thi sao cho nghiêm túc, đó là vấn đề đầu tiên cần làm. Làm nghiêm túc không chỉ một năm mà phải duy trì liên tục.”
Cũng theo Phó Thủ tướng, kỳ thi này phải đảm bảo chất lượng để làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Nếu chất lượng đảm bảo, các trường đại học sẽ không tổ chức thi riêng. Nếu nhiều trường thi riêng thì hiệu quả của việc giảm áp lực, giảm tốn kém của kỳ thi là không lớn.
Phân tích về lý do phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu chỉ nhìn ngắn hạn, một kỳ thi quy môn, tốn kém với tỷ lệ gần 99% đỗ là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu không tổ chức kỳ thi quốc gia khi kết thúc bậc phổ thông thì việc học có thể bị sao nhãng.
“Mặt khác, nếu giao cho các địa phương tự làm liệu đề thi có đảm bảo chất lượng đồng đều trên một mặt bằng hay nơi dễ, nơi khó. Nếu các cơ sở giáo dục đều gương mẫu, trong sạch thì không cần thi,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nên hỏi ý kiến các trường đại học
Khẳng định việc đổi mới thi cử là rất quan trọng, là khâu đột phá kích thích các khâu khác cùng đi theo, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hết sức thận trọng, phải tính được-mất rất kỹ và vì thế, không thể quyết định một vấn đề rất lớn trong thời gian ngắn.
Nhận xét về ba phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, Phó Thủ tướng cho rằng các phương án này về cơ bản chưa liên quan gì đến đổi mới dạy và học, đổi mới chương trình mà chủ yếu là rút ngắn thời gian thi.
Mặt khác, việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần kiến thức ở mức trung bình. Nếu Bộ muốn dùng kết quả kỳ thi này xét tuyển vào đại học thì cần hỏi ý kiến các trường đại học, cao đẳng để có điều chỉnh phương án thi phù hợp.
“Các trường đại học, cao đẳng muốn tích hợp hay thi riêng từng môn để thuận lợi cho xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cùng bàn, lấy ý kiến, phải phân tích kỹ, đừng nói theo cảm tính,” Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Yêu cầu ngành giáo dục phải xem xét cẩn trọng nhưng Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Phải công bố phương án thi trước khi khai giảng năm học mới để học sinh không phải trông chờ.”/.