"Đói" thí sinh

Nhiều trường đại học trong tình trạng "đói" thí sinh

Trong khi nhiều ngành có tỷ lệ "chọi" khá cao thì có những ngành lại quá ít hồ sơ, nguy cơ đóng cửa vì không thể tuyển đủ người học.
Hiện Đại học Đà Nẵng có tới 10 ngành học có số lượng hồ sơ dự tuyển ít hơn số chỉ tiêu tuyển vào. “Nếu không tuyển đủ sinh viên, có lẽ chúng tôi đành tạm đóng cửa ngành. Năm 2010, cũng đã có một số ngành phải tạm dừng vì lý do này,” ông Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

Chưa thi đã “đói” thí sinh

Trong khi nhiều ngành của Đại học Bách khoa Đà Nẵng có tỷ lệ "chọi" khá cao như ngành Kiến trúc với trên 1.000 hồ sơ, chỉ tiêu chỉ có 60, tỷ lệ "chọi" gần 1/17, thì nhiều ngành khác, số lượng hồ sơ lại quá ít.

Ngành Xây dựng công trình thủy có 120 chỉ tiêu nhưng số thí sinh ứng thí là 108 em. Ngành Kỹ thuật điện tử - Tin học chỉ tiêu 60 nhưng cũng chỉ thu nhận được 44 hồ sơ. Ngành Vật liệu và cầu kiện xây dựng, Công nghệ vật liệu, lượng thí sinh còn ít hơn nữa, chỉ bằng một nửa. Cụ thể, ngành Vật liệu và cầu kiện xây dựng tuyển 60 chỉ tiêu, số đăng ký là 31, Công nghệ vật liệu có lượng chỉ tiêu 120 nhưng chỉ có 63 hồ sơ.

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế của Đại học Đà Nẵng cũng có ngành trong tình trạng lượng hồ sơ ảm đạm. Ngành Sư phạm tiếng Pháp tuyển 35 sinh viên nhưng tổng số hồ sơ thu về chỉ 11 bộ. Ngành Cử nhân tiếng Thái Lan cùng lượng chỉ tiêu, khá khẩm hơn với 15 hồ sơ. Các ngành Sư phạm tiếng Pháp, Kinh tế lao động, Thống kê tin học cũng tương tự.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng, cho biết việc khan hiếm thí sinh vào các ngành này đã diễn ra nhiều năm nay. Năm 2010, do ít thí sinh, trường đã phải tạm dừng một số ngành học.

Một số ngành của Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng ảm đạm không kém. Ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam tuyển 50 chỉ tiêu, số hồ sơ là 20. Ngành Văn hóa học cũng tuyển 50 chỉ tiêu, lượng hồ sơ là 24. Ngay cả những ngành tưởng như rất hấp dẫn, “thời thượng” là Nghệ thuật dẫn chương trình, Đạo diễn sự kiện văn hóa, lượng hồ sơ cũng ít hơn chỉ tiêu.

Thí sinh không nên chủ quan

Lượng hồ sơ ít hơn chỉ tiêu là một lợi thế cho thí sinh. Tuy nhiên, lãnh đạo các đại học cũng khuyến cáo thí sinh không nên chủ quan.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm chuẩn nguyện vọng 1 của các trường thấp nhất phải bằng điểm sàn. Vì thế, với những trường lấy điểm chuẩn theo ngành, thí sinh không phải “chọi” với các thí sinh khác nhưng lại phải vượt qua chính mình với ngưỡng điểm sàn.

Đối với những đại học lấy điểm chuẩn theo trường thì khả năng đỗ còn khó khăn hơn nữa. Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Đại học Bách khoa Đà Nẵng lấy điểm chuẩn chung cho toàn trường, lấy từ cao xuống thấp. Năm 2010, điểm chuẩn của trường này là 16 điểm.

Năm nay, Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhận được trên 15.100 hồ sơ, tổng chỉ tiêu là trên 2.900. Như vậy, để đỗ vào Đại học này, ngành thấp nhất, thí sinh sẽ phải có điểm số cao hơn 12.170 thí sinh còn lại.

Bên cạnh đó, nhiều trường tạo điều kiện cho thí sinh có điểm thi cao nhưng vẫn không đủ điểm vào ngành đăng ký ban đầu được chuyển sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn như Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2010, cách chuyển đổi này cũng giúp cho Đại học Bách khoa Đà Nẵng tuyển đủ chỉ tiêu cho lớp Xây dựng công trình thủy dù ngành này rất ít thí sinh đăng ký thi.

“Vì thế, tôi nghĩ thí sinh hãy cố gắng hết sức để làm bài thi hiệu quả nhất, không nên chủ quan khi thấy tỷ lệ chọi của ngành mình thấp,” ông Việt nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục