Đối tượng dễ bị tổn thương góp ý dự thảo Hiến pháp

Nhóm đối tượng tổn thương kiến nghị Hiến pháp tạo sự bình đẳng giữa các nhóm, cộng đồng người; nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết dân tộc.
Chiều 29/3, tại Hà Nội, đoàn đại biểu đại diện cho 17 tổ chức phi Chính phủ và tổ chức xã hội đã đến trao các bản kiến nghị góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đây là bản kiến nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp của 980 người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số; lao động di cư; người khuyết tật; nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới; thanh niên; phụ nữ; người sống chung với HIV tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kiến nghị của các nhóm tập trung vào điều chỉnh các nhóm vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; về nghĩa vụ của nhà nước và nghĩa vụ của công dân; về quyền dân sự và chính trị; về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ...

Các kiến nghị đề nghị Hiến pháp tạo ra sự bình đẳng giữa các nhóm, các cộng đồng người; nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết toàn dân và đoàn kết dân tộc; phân định rõ quyền con người tương ứng với nghĩa vụ của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm các quyền đó.

Ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban Biên tập hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các nhóm yếu thế vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ xem xét, nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến trình Quốc hội xem xét, góp phần vào việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục