Xoay quanh câu chuyện điệp khúc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Trung Quốc, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh việc dồn tắc tại cửa khẩu diễn ra liên tục vài năm nay xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu sang nước bạn thời điểm này chỉ mang tính thời vụ nhằm kịp đáp ứng nhu cầu rất cao của Trung Quốc những ngày cận các dịp Lễ, Tết.
Vì thế, dẫn tới việc lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong các dịp này có nhiều thời điểm tăng đột biến, gây ách tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu.
Thực tế hiện nay tình trạng ù ứ cũng còn tùy thuộc nhiều vào năng lực thông quan của các lực lượng kiểm soát của hai nước tại biên giới, cũng như tập quán kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai bên.
Không ít doanh nghiệp vận chuyển và làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu phía Việt Nam xong nhưng tới khi làm thủ tục thông quan tại Trung Quốc lại “tắc.”
Lý giải vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân là do phía doanh nghiệp Trung Quốc tuyển lựa và loại bỏ những lô hàng không đủ phẩm chất. Vì thế, công đoạn này cũng đã mất rất nhiều thời gian, khiến việc thông quan chậm trễ.
Với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến nghị các địa phương và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu nông sản về dung lượng thị trường và điều kiện thông quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý các Sở Công Thương địa phương và nông dân phải có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác nông sản cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế thị trường.
Mặt khác, lường trước tình trạng ùn ứ diễn ra Bộ Công Thương cũng đã đề nghị tỉnh Lạng Sơn thành lập các tổ công tác liên ngành để tổ chức hoạt động thông quan dưa hấu nhằm tránh những bất ổn, đảm bảo hiệu quả chung.
Dù vậy, đến nay tình trạng ùn tắc vẫn có một nguyên nhân là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân vẫn không đáp ứng được yêu cầu và mang tính tự phát nhiều hơn.
Chính từ thực tế này đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc nghiên cứu thị trường, nhất là yêu cầu về tính đặc thù và khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng nông sản.
Vì thế, việc nghiên cứu thị trường theo hướng cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ khắc phục được sự “đứt đoạn” trong khâu thông tin thị trường từ khâu sản xuất (canh tác, thu hoạch và chế biến phục vụ xuất khẩu) cho tới tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo mạnh hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu thụ phân phối sản phẩm (tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) kết nối chặt chẽ với các địa phương và khu vực sản xuất./.