Theo số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Nhật Bản công bố ngày 23/3, trận siêu động đất và sóng thần vừa qua đã gây thiệt hại trực tiếp ước tính lên tới 25.000 tỷ yen (309 tỷ USD).
Số liệu trên chỉ mới tính đến những thiệt hại về hệ thống đường sá, nhà cửa, công trình nhà máy và các cơ sở hạ tầng khác, chứ chưa tính thiệt hại trong hoạt động kinh tế bắt nguồn từ tình trạng thiếu điện hay các ảnh hưởng rộng hơn của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima. Như vậy, thiệt hại từ thảm họa kép này đã vượt xa tổng mức thiệt hại 100 tỷ USD do trận động đất Kobe năm 1995 gây ra.
Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nội Các Nhật Bản, Fumihira Nishizaki cho biết: "Nếu tính cả những thiệt hại từ tình trạng thiếu điện thì mức độ còn lớn hơn nữa." Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Masaaki Shirakawa nhận định, trận siêu động đất và sóng thần vừa qua rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế của đất nước "Mặt Trời mọc" khi những thiệt hại ước tính tương đương 6% GDP.
Để đối phó với thảm họa này và duy trì khả năng thanh khoản, tính đến nay BoJ đã bơm trên 40.000 tỷ yen vào thị trường, con số cao hơn cả kỷ lục bơm tiền hồi năm 2004 khi ngân hàng này thực hiện chính sách tài chính "nới lỏng định lượng."
BoJ khẳng định sẽ triển khai mọi biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này phục hồi sau thảm họa kép. Tuần qua, BoJ đã phối hợp cùng các ngân hàng trung ương Nhóm G7 để chặn đà tăng giá của đồng yên, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.
Mặc dù nhiều nhà kinh tế hy vọng công cuộc tái thiết Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần sẽ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế này trong nửa cuối năm nay, song khó khăn và thách thức lớn đối với Nhật Bản và nguy cơ thiếu điện. Hiện sản lượng điện của Tokyo Electric Power Co. (công ty cung cấp tới 40% sản lượng điện Nhật Bản) đã bị sụt giảm khoảng 20% sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima và chưa thể phục hồi trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong mùa Hè sắp tới.
Các tập đoàn chế tạo và công nghệ Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng lớn sau thảm họa thiên tai. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, hãng chế tạo ôtô lớn nhất thế giới Toyota Motor Co có thể thiệt hại khoảng 74 triệu USD/ngày sau khi phải đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất tại Nhật Bản.
Hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Sony Corp. cũng phải ngừng một số hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế tạo hàng điện tử thông dụng như máy ghi hình kỹ thuật số và máy thu hình ở Nhật Bản do thiếu linh kiện và vật liệu sau thảm họa động đất-sóng thần.
Trong diễn biến mới nhất, một quan chức cấp cao trong Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản cho rằng, quốc gia này sẽ cần ít nhất hai hoặc nhiều hơn nữa các gói ngân sách khẩn cấp cho hoạt động tái thiết đất nước. Mặc dù chính phủ Nhật bản vẫn chưa quyết định sẽ chi bao nhiêu cho nỗ lực tái thiết, song một số nhà phân tích cho rằng con số đó có thể lên tới trên 10.000 tỷ yen./.
Số liệu trên chỉ mới tính đến những thiệt hại về hệ thống đường sá, nhà cửa, công trình nhà máy và các cơ sở hạ tầng khác, chứ chưa tính thiệt hại trong hoạt động kinh tế bắt nguồn từ tình trạng thiếu điện hay các ảnh hưởng rộng hơn của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima. Như vậy, thiệt hại từ thảm họa kép này đã vượt xa tổng mức thiệt hại 100 tỷ USD do trận động đất Kobe năm 1995 gây ra.
Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nội Các Nhật Bản, Fumihira Nishizaki cho biết: "Nếu tính cả những thiệt hại từ tình trạng thiếu điện thì mức độ còn lớn hơn nữa." Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Masaaki Shirakawa nhận định, trận siêu động đất và sóng thần vừa qua rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế của đất nước "Mặt Trời mọc" khi những thiệt hại ước tính tương đương 6% GDP.
Để đối phó với thảm họa này và duy trì khả năng thanh khoản, tính đến nay BoJ đã bơm trên 40.000 tỷ yen vào thị trường, con số cao hơn cả kỷ lục bơm tiền hồi năm 2004 khi ngân hàng này thực hiện chính sách tài chính "nới lỏng định lượng."
BoJ khẳng định sẽ triển khai mọi biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này phục hồi sau thảm họa kép. Tuần qua, BoJ đã phối hợp cùng các ngân hàng trung ương Nhóm G7 để chặn đà tăng giá của đồng yên, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.
Mặc dù nhiều nhà kinh tế hy vọng công cuộc tái thiết Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần sẽ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế này trong nửa cuối năm nay, song khó khăn và thách thức lớn đối với Nhật Bản và nguy cơ thiếu điện. Hiện sản lượng điện của Tokyo Electric Power Co. (công ty cung cấp tới 40% sản lượng điện Nhật Bản) đã bị sụt giảm khoảng 20% sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima và chưa thể phục hồi trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong mùa Hè sắp tới.
Các tập đoàn chế tạo và công nghệ Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng lớn sau thảm họa thiên tai. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, hãng chế tạo ôtô lớn nhất thế giới Toyota Motor Co có thể thiệt hại khoảng 74 triệu USD/ngày sau khi phải đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất tại Nhật Bản.
Hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Sony Corp. cũng phải ngừng một số hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế tạo hàng điện tử thông dụng như máy ghi hình kỹ thuật số và máy thu hình ở Nhật Bản do thiếu linh kiện và vật liệu sau thảm họa động đất-sóng thần.
Trong diễn biến mới nhất, một quan chức cấp cao trong Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản cho rằng, quốc gia này sẽ cần ít nhất hai hoặc nhiều hơn nữa các gói ngân sách khẩn cấp cho hoạt động tái thiết đất nước. Mặc dù chính phủ Nhật bản vẫn chưa quyết định sẽ chi bao nhiêu cho nỗ lực tái thiết, song một số nhà phân tích cho rằng con số đó có thể lên tới trên 10.000 tỷ yen./.
Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)