Đông Địa Trung Hải - Lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Châu Âu nên hành động ngay lập tức, tuân thủ an ninh của mình, tích cực hỗ trợ các mục tiêu đa dạng hóa năng lượng của các quốc gia Balkan và thị trường khí đốt Đông Địa Trung Hải.
Đông Địa Trung Hải - Lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu ảnh 1Các bể chứa khí đốt. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, nhắc đến vai trò quan trọng của năng lượng đối với an ninh, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng lưu ý rằng “sự an toàn và chắc chắn của dầu mỏ nằm ở sự đa dạng, và chỉ có sự đa dạng mà thôi.”

Thật không may, một số quốc gia, đặc biệt là Đức, đã không chú ý đến sự thật đã được kiểm chứng qua thời gian này, thay vào đó đã theo đuổi chính sách ảo tưởng về năng lượng.

Bằng cách tăng cường sự phụ thuộc vào Nga, các quốc gia châu Âu gia tăng sự phụ thuộc và giảm bớt quyền tự quyết của mình. Châu Âu nên hành động ngay lập tức, tuân thủ an ninh của mình, tích cực hỗ trợ các mục tiêu đa dạng hóa năng lượng của các quốc gia Balkan và thị trường khí đốt Đông Địa Trung Hải.

Châu Âu không phải là một khối, và mặc dù Đức đã chọn tăng cường sự phụ thuộc vào Nga, các quốc gia khác đã đạt được những bước tiến lớn trong việc đa dạng hóa để thoát khỏi sự chi phối của Liên Xô trước đây.

Ba Lan đã cắt giảm đáng kể nhập khẩu của Nga và đang định vị mình là một trung tâm nhập khẩu khí đốt trong khu vực. Litva đã đối phó thành công trước các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga để xây dựng cơ sở nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của mình được đặt tên là “Độc lập.”

Các hành động đa dạng hóa này đã buộc công ty Gazprom do nhà nước Nga kiểm soát phải cạnh tranh thị trường, làm giảm đòn bẩy địa chính trị của Điện Kremlin. Công bằng mà nói, bài học từ Bắc Âu này cũng nên áp dụng cho Nam Âu.

Các mỏ khí đốt tự nhiên ở Đông Địa Trung Hải là nguồn cung cấp ổn định và an toàn cho khu vực này cũng như vùng Balkan rộng lớn hơn. Ông Frank Fannon, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách tài nguyên năng lượng, đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc đối thoại 3+1 cùng với các bộ trưởng từ Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus và Israel.

Phái đoàn Mỹ lưu ý rằng năng lượng có thể đóng vai trò là cầu nối để đạt được sự tiến bộ về kinh tế và ổn định chính trị, chứ không phải là nguồn gốc của xung đột.

[Thị trường khí đốt châu Âu diễn biến tích cực sau cuộc hội đàm Nga-Đức]

Ông Fannon cho biết: “Thông qua những nỗ lực ngoại giao đáng kể và các mối quan hệ khu vực tư nhân được tăng cường, chúng ta đã sớm thấy khí đốt tự nhiên của Israel chảy sang các nước láng giềng Jordan và Ai Cập. Cộng hòa Cyprus đang kết nối khí đốt ngoài khơi của họ thông qua đường ống dẫn dầu đến cơ sở hạ tầng của Ai Cập. Năm 2019, Ai Cập đã tổ chức Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) đầu tiên, trong đó gồm các đại diện từ khắp khu vực, cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là các quan sát viên. Thông qua các hoạt động đầu tư và ngoại giao phối hợp, đối thoại 3+1 và EMGF đã thúc đẩy nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mới cho một châu Âu đang ngày càng tuyệt vọng.”

Hỗ trợ cho khí đốt Đông Địa Trung Hải đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hiếm có của quốc hội lưỡng đảng ở Mỹ. Năm 2019, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Robert Menendez và Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã tài trợ và thông qua Đạo luật Đối tác An ninh Năng lượng và Đông Địa Trung Hải, qua đó tìm cách thể chế hóa chính sách ngoại giao năng lượng của chính quyền trước đây của Mỹ trong khu vực. Đặc biệt, đạo luật công nhận và khuyến khích EMGF “đa dạng hóa để khỏi phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên do Liên bang Nga cung cấp.”

Chính quyền Biden nên xây dựng nhiệm vụ rõ ràng của Quốc hội, bao gồm hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng. Hy Lạp đã dẫn đầu cách làm này và định vị mình như một cửa ngõ năng lượng đến các quốc gia Balkan. Liên Xô từng tận dụng cơ sở hạ tầng năng lượng để kết nối các quốc gia phụ thuộc với Nga - và những mối quan hệ phụ thuộc lịch sử đó phần lớn vẫn còn nguyên giá trị.

Như ở Ukraine, Nga đã tìm cách phá hoại các cải cách dân chủ và thị trường ở vùng Balkan vốn có thể gây ra sự cạnh tranh và làm suy yếu ảnh hưởng của Moskva. Thật phù hợp khi nơi sinh ra dân chủ đang giúp thúc đẩy các mối quan hệ đối tác năng lượng mới dựa trên các giá trị chung.

Nhiều quốc gia Balkan đang mong muốn cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ chủ quyền của chính mình khi họ làm sâu sắc hơn mối quan hệ với NATO và EU.

Điều quan trọng đối với Mỹ là phải ủng hộ mạnh mẽ những thay đổi tích cực như vậy và khuyến khích EU làm điều tương tự. Ông Frank Fannon tỏ ra rất hài lòng khi được tham quan IGB, một dự án đường ống dẫn dầu lớn để nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Hy Lạp đến Bulgaria. Khi ở Skopje, ông Fannon đã khuyến khích Bắc Macedonia thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa năng lượng, bao gồm cả việc hợp tác với Hy Lạp.

Trong khi đó, Nga coi đa dạng năng lượng là một mối đe dọa, đó là một lý do khiến Moskva đưa ra yêu cầu hoàn toàn vô lý rằng NATO phải quay ngược lại “đồng hồ tiến bộ” và trở lại biên giới năm 1997 của mình. Năm 2018, ông Fannon đã nói rằng “Thông qua Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Nga tìm cách tăng đòn bẩy trước phương Tây, đồng thời cố gắng tách Ukraine khỏi châu Âu.”

Thật không may, cảnh báo của ông Fannon dường như đã đúng. Hiện nay, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục. Nga tiếp tục tăng cường quân đội ở biên giới Ukraine trong khi triển khai các cuộc tấn công mạng nhằm làm giảm quyết tâm của Kiev.

Với những thực tế địa chính trị đang diễn ra trên ti vi, Đức cảm thấy Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ đơn thuần là một dự án thương mại. Trong khi đó, các nhà vận động của EU, bao gồm một số quốc gia thành viên, phản đối sự ủng hộ của Brussels đối với khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân vì lý do môi trường.

Nhiều nước Balkan hiện đối mặt với một sự lựa chọn không bền vững: dựa vào khí đốt hoặc nhiên liệu hạt nhân hoặc năng lượng than non bẩn của Nga. Khí tự nhiên mới cung cấp một giải pháp thay thế ưu việt hơn về mặt môi trường và sự kết nối giữa các khu vực có thể nâng cao các tiêu chuẩn minh bạch của thị trường EU.

Nếu EU muốn đánh giá khí tự nhiên thông qua lăng kính khí hậu, thì họ nên làm như vậy một cách công bằng, bắt đầu từ nhà cung cấp lớn nhất của mình: Nga là nước gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Trước lời cảnh báo của cựu Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây đã nhấn mạnh rằng sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ làm suy yếu an ninh và kêu gọi “đa dạng hóa nguồn cung cấp.”

Các nguồn khí đốt Đông Địa Trung Hải là một nguồn cung cấp gần gũi và an toàn, đồng thời thị trường năng lượng mới ra đời của Balkan đại diện cho một mặt trận rộng mở để chống lại ảnh hưởng năng lượng của Nga. Mỹ và châu Âu nên tăng cường cam kết của mình với khu vực này, bao gồm hỗ trợ kết nối khí đốt tự nhiên và tài chính liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục