Đóng góp cho giáo dục Việt Nam từ nước ngoài

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp tích cực cho nền giáo dục Việt Nam.
Các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp tích cực cho nền giáo dục Việt Nam.

Đây là ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan, tại cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa với sinh viên Việt Nam tại Pháp, tổ chức sáng 3/7 tại Paris, Pháp.

Cuộc gặp gỡ do Hội Khoa học và Chuyên gia (AVSE) và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) phối hợp tổ chức.

Tại buổi giao lưu, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã giới thiệu về dự án thành lập trường Đại học quốc tế Trí Việt. Dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2013 tại Đồng Nai, Đại học quốc tế Trí Việt đặt mục tiêu đào tạo một thế hệ lãnh đạo trẻ Việt Nam, kết hợp bản sắc Việt Nam với hội nhập, hướng ra quốc tế.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh rằng các chuyên gia, nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Pháp có thể đóng góp tích cực vào dự án phát triển trường Trí Việt nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, không ít sinh viên Việt Nam du học tại Pháp sau khi ra trường đã được ở lại Pháp làm việc trong các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của Pháp.

Tâm luôn hướng về đất nước, những nhà khoa học trẻ Việt Nam luôn tìm cách liên hệ với các bạn bè và đồng nghiệp trong nước để đóng góp những kinh nghiệm và kiến thức của mình cho sự phát triển của quê hương.

Theo bạn Trần Bằng, cựu sinh viên trường đại học Bách Khoa Pháp, có nhiều yếu tố giúp cho những nhà khoa học trẻ của Việt Nam đang làm việc tại Pháp có thể giúp ích cho quê hương, như kinh nghiệm và phong cách làm việc mới. Mặt khác, các bạn được đào tạo và làm việc ở nước ngoài có nhiều lợi thế hơn vì họ được tiếp xúc và hội nhập với sự đa dạng về văn hóa của nước sở tại.

Theo Bằng, một người có sự đa dạng về văn hóa sẽ có tính mở về nhận thức và dễ dàng chấp nhận cái mới, chấp nhận thử thách và chấp nhận thử nghiệm trên công việc của cá nhân mình.

Bạn Lại Ngọc Điệp, một Phó giáo sư trẻ của Trường đại học sư phạm Cachan, người thường xuyên có trao đổi với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước, cho rằng dù hiện tại chưa có cơ hội về nước trực tiếp cống hiến, nhưng những việc làm hướng về đất nước mà các nhà khoa học và chuyên gia trẻ Việt Nam thực hiện từ bên ngoài vẫn thể hiện lòng yêu nước và mong muốn đóng góp cho quê hương đất nước./.

Lê Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục