Những thay đổi quan trọng về "sức nặng" địa chính trị và kinh tế giữa các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ, đe dọa chức năng đàm phán và trọng tài quốc tế của tổ chức này.
Trên thực tế đã có những bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc liên quan tới các quy tắc và thủ tục hiện có của WTO trong các lĩnh vực như giải quyết tranh chấp, điều kiện được hưởng các nhượng bộ đặc biệt của các nước đang phát triển và việc áp dụng quy định đối với doanh nghiệp thương mại nhà nước.
Những quy tắc này cần sớm được cập nhật để khôi phục lòng tin và sự tự tin trong việc tuân thủ quy định của WTO.
Trong bài viết đăng tải trên trang Interpreter của Viện Lowy, Australia, học giả quốc tế Joanna Hewitt nhận định những tín hiệu ngoại giao tích cực từ cuộc gặp của các lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức ở Cornwall (Anh) trong tháng này đã làm dấy lên niềm hy vọng về sự hồi sinh của hợp tác đa phương trong các vấn đề toàn cầu quan trọng.
[WTO kêu gọi dỡ bỏ rào cản thương mại với trang thiết bị y tế]
Hội nghị tập trung vào các vấn đề như đại dịch COVID-19 và hoạt động phân phối vaccine, cũng như các bước tiến trong tiến trình cải cách thuế toàn cầu, biến đổi khí hậu và đầu tư hạ tầng ở các nước đang phát triển, đã thu hút sự chú ý và đem đến sự lạc quan cho giới quan sát.
Chuyên gia Hewitt nhận định các nhà lãnh đạo thế giới đang đẩy mạnh cải cách khuôn khổ thương mại đa phương dựa trên quy tắc, như một phần của cam kết xây dựng lại sự phục hồi kinh tế.
Sau một vài năm trượt dốc theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh có những khác biệt gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hội nghị G7 là một dấu hiệu đáng hoan nghênh.
Đã đến lúc phải ổn định và xây dựng lại một hệ thống thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trên quy mô chưa từng có. Trong đó, hệ thống luật lệ, tạo tiếng nói cho cả các nền kinh tế lớn và nhỏ, là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia phát triển thương mại giống như Australia.
Theo tác giả, nhiệm vụ là rất lớn. Về mặt tích cực, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang khẳng định với thế giới rằng "Nước Mỹ đã trở lại."
Tổ chức WTO đang được "lèo lái" với sự quyết tâm cao độ của tân Tổng Giám đốc, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria và là chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) Ngozi Okonjo-Iweala.
Chính quyền của Tổng thống Biden đang tỏ ra thận trọng trong việc báo hiệu sự sẵn sàng tham gia vào hệ thống thương mại đa phương - một trong những sáng kiến vĩ đại nhất của Mỹ thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, ông Biden lại cũng đưa ra tuyên bố về những cam kết phục hồi thị trường nội địa, bao gồm ưu tiên "mua hàng của Mỹ."
Điều này khiến một số người hoài nghi về việc Mỹ tăng thuế quan đối với sản phẩm của Trung Quốc, cũng như lời biện minh dựa trên lý do an ninh quốc gia cho các lệnh áp đặt của Mỹ đều chưa được rút lại.
Vẫn chưa có ứng cử viên Mỹ nào được công bố cho chức vụ Đại sứ WTO và việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong cơ quan phúc thẩm WTO vẫn đang bị ngăn chặn.
Chuyên gia Hewitt lưu ý trong các hành động cần thiết để củng cố WTO, việc ưu tiên tái tham gia vào các cuộc đàm phán nông nghiệp khó khăn có thể sẽ là rất hữu ích.
Sự bế tắc trong nông nghiệp, bất chấp những cam kết được đưa ra để tiếp tục quá trình cải cách, là một yếu tố góp phần chính vào sự bế tắc rộng lớn hơn của WTO.
Trong bối cảnh đó, đề xuất "Con đường mới" với mục tiêu khởi động lại các cuộc đàm phán nông nghiệp, do một nhóm chuyên gia quốc tế độc lập đưa ra gần đây, đã đưa ra một chùm sáng kiến "Khởi đầu mới."
Các khuyến nghị nhằm thay đổi lập trường của các quốc gia bằng cách đưa ra các sửa đổi, đơn giản hóa và làm rõ các vấn đề trong Hiệp định Nông nghiệp hiện hành của WTO.
Các chuyên gia đã tính đến sự dịch chuyển của trọng số kinh tế cũng như sự gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là ở một số nền kinh tế mới nổi của châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.
Đề xuất cũng thúc đẩy các nước hướng tới những chính sách giảm lãng phí, kém hiệu quả và gây tổn hại đến môi trường qua đó giảm thiệt hại cho thị trường nông sản.
Một loạt lựa chọn cải cách đầy tham vọng đã được đưa ra để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm trợ cấp làm bóp méo thương mại.
Những thay đổi đối với các quy tắc trợ cấp được cấp phép (Hộp Xanh) cũng được nêu ra nhằm hạn chế mạnh mẽ hơn các khoản hỗ trợ thu nhập và trợ cấp đầu vào được áp dụng ở châu Âu.
Đề xuất cũng xác định những thay đổi về quy tắc giúp các nước đang phát triển đạt được vị thế an ninh lương thực hợp pháp và các khoản hỗ trợ xã hội cho những hộ gia đình có thu nhập thấp.
Mức độ cấp bách và quy mô của các thách thức môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và cạn kiệt các nguồn tài nguyên quan trọng như nước và đất, cũng được hướng dẫn trong chùm sáng kiến "Khởi đầu mới."
Những thay đổi quy tắc được đề xuất này sẽ làm tăng độ linh hoạt của việc hỗ trợ các mục tiêu môi trường và hạn chế hơn nữa các chính sách khuyến khích thâm canh có hại.
Đề xuất "Con đường mới" hầu như tập trung hoàn toàn vào nội dung cụ thể của vấn đề cải cách nông nghiệp cần thiết, mặc dù các quan sát đã được thực hiện trên quy mô những thách thức lớn hơn đối với hệ thống thương mại quốc tế. Mặc dù chỉ giới hạn ở nhiệm vụ đàm phán nông nghiệp, song các khuyến nghị vẫn có thể góp phần giải quyết các vấn đề rộng lớn hơn.
Chẳng hạn, việc tái tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ rất khó khăn nếu không có dấu hiệu cho thấy hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO có thể được khôi phục, thông qua các nỗ lực cải cách song song.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng mùa Hội nghị thượng đỉnh 2021 đang bắt đầu, bao gồm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Bộ trưởng WTO (MC12) được tổ chức vào tháng 11 tới. Các cuộc gặp mặt đa phương dự kiến sẽ mang lại cơ hội để thúc đẩy cải cách.
Các Bộ trưởng Thương mại của APEC gần đây đã đồng ý về về kế hoạch hỗ trợ cải cách WTO trong cả chức năng đàm phán lẫn giải quyết tranh chấp, hướng tới mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán trợ cấp thủy sản và đem lại một "kết quả có ý nghĩa" về nông nghiệp tại MC12.
Những tháng tới đây sẽ cho thấy liệu sự tái tham gia ở cấp quan chức tại Geneva có được các nhà lãnh đạo chính trị ủng hộ hay không. Các kết quả vẫn còn ở phía trước./.