Đồng Nai dẫn đầu các tỉnh miền Đông Nam Bộ về tăng trưởng dư nợ

Trong 7 tháng qua, tổng dư nợ của Đồng Nai đạt hơn 86.290 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trung bình của cả nước và đứng đầu các tỉnh Đông Nam Bộ.
Đồng Nai dẫn đầu các tỉnh miền Đông Nam Bộ về tăng trưởng dư nợ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, trong bảy tháng qua, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 86.290 tỷ đồng, tăng 7,11% so với thời điểm cuối năm 2013.

Trong số đó, dư nợ ngắn hạn chiếm trên 52.220 tỷ đồng, tăng 4,37%; dư nợ trung và dài hạn là 31.723 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,7 % trên tổng dư nợ và tăng 11,2 % so với mức cuối năm 2013.

Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai, ông Trần Quốc Tuấn, đây là mức tăng trưởng dư nợ tương đối cao và tăng gần gấp đôi so với mức tăng trung bình của cả nước và đứng đầu các tỉnh Đông Nam Bộ.

Cũng theo ông Tuấn, thành công trên có được là do dòng vốn tiếp tục được điều chỉnh theo cơ cấu tích cực, tập trung đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ truơng của ngành và của tỉnh, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong các tháng đầu năm, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng đã thực hiện rà soát, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một cách phù hợp, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngành ngân hàng cũng đã phối hợp với các sở ngành tổ chức chương trình kết nối với doanh nghiệp - với điểm mới là trực tiếp ký kết các hợp đồng tín dụng vay vốn ngay tại hội nghị nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đứng đầu là cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã đạt trên 18.000 tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ; cho vay xuất nhập khẩu đạt 12.530 tỷ đồng, tăng 14% và cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn trên 5.279 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của 34 xã điểm trong tỉnh đạt 3.270 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,6% trong dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, trong tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn có gần 2.000 tỷ đồng dư nợ không phải đảm bảo bằng tài sản thế chấp, chiếm tỷ trọng 13,3% trên tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức tăng trưởng dư nợ của ngành ngân hàng Đồng Nai bảy tháng qua vẫn đạt thấp, chỉ đạt hơn 38% kế hoạch cả năm.

Hiện lượng vốn ngân hàng vẫn dư thừa hơn 13.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hiện nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) là hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm 2,67% tổng dư nợ, tăng 0,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (dư nợ nhóm 5) là 1.375 tỷ đồng, chiếm 1,161% trên tổng dư nợ, tăng 0,3% so với 31/12/2013.

Do đó, việc giải quyết nợ xấu là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm được ngành ngân hàng đề ra cho các tháng cuối năm. Nhiệm vụ còn lại chính là tiếp tục tăng trưởng dư nợ.

Theo mục tiêu, ngành ngân hàng Đồng Nai phấn đấu tổng dư nợ năm nay sẽ tăng từ 16-18%, huy động vốn cũng tăng từ 20-22%.

Từ nay đến cuối năm, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tích cực phối hợp đồng bộ với các ngành tài chính-đầu tư-công thương, nhất là nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ tín dụng trong phát triển nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng, kiểm tra giám sát hoạt động điều hành, đảm bảo an toàn vốn, nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục