Đồng Tháp: Chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường

Trước tình hình mưa lớn, lũ kết hợp triều cường có chiều hướng gia tăng, đạt đỉnh trong các ngày tới, UBND Đồng Tháp đề nghị các sở, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó lũ.
Đồng Tháp: Chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường ảnh 1(Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Trước tình hình mưa lớn, lũ kết hợp triều cường có chiều hướng gia tăng, đạt đỉnh trong các ngày tới và đợt triều cường tiếp theo (vào khoảng ngày 22-27/10), Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị các sở, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó lũ kết hợp triều cường và sạt lở bờ sông.

Theo ông Huỳnh Minh Đường, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, từ giữa tháng 8/2022, mực nước tại các nơi trong tỉnh có xu hướng tăng dần do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với lượng nước từ thượng nguồn đổ về.

Đến ngày 13/10, mực nước tại khu vực phía Bắc sông Tiền ở trên mức báo động cấp I; trên báo động cấp III đối với khu vực phía Nam sông Tiền; giữa báo động 2 và báo động 3 đối với khu vực nội đồng... Nhiều khả năng lũ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ đạt đỉnh trong tháng 10/2022.

Nhằm chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường vào các ngày tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh) phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi diễn biến tình hình mưa lớn, lũ và triều cường; thông báo kịp thời cho Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và nhân dân để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời. 

Đồng thời, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, tổ chức bơm tiêu úng bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; có kế hoạch sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước tập trung nông thôn, đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra ngập lụt kéo dài; phối hợp xử lý dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

[Chủ động ứng phó lũ kết hợp triều cường, sạt lở trên sông Cửu Long]

Sở Giao thông Vận tải cắm biển báo, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị ngập, nhất là đoạn đường, tuyến phố thường xuyên bị ngập sâu và vị trí có nguy cơ sạt lở sau khi nước rút; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị quản lý, khai thác phương tiện vận tải đường thủy nội địa, bảo đảm an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm ngập úng để kịp thời tiêu thoát nước, sẵn sàng giải tỏa ách tắc giao thông.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến mưa, lũ kết hợp triều cường, tình hình thời tiết nguy hiểm, đặc biệt là theo dõi sát bản tin thủy văn hàng ngày để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh diện tích rau màu và lúa vụ Thu Đông năm 2022 nhằm hạn chế thiệt hại; lùi thời gian xuống giống vụ Đông Xuân 2022-2023 đến tháng 11/2022.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố huy động các lực lượng, khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh, chuẩn bị máy bơm bảo đảm tiêu nước nhanh cho các vùng bị ngập úng. Đối với các vườn cây ăn quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch, người dân cần tập trung thu hoạch sớm; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi thường xuyên diễn biến những khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao; tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm… để nhân dân chủ động phòng tránh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục