Đồng Tháp: Hơn 6.000 hécta lúa trong vụ Đông Xuân bị nhiễm sâu bệnh

Năm nay, loại rầy cánh trắng đang phát triển mạnh trên trà lúa hơn 1 tháng tuổi ở Đồng Tháp, chủ yếu là rầy cánh trắng tấn công trên lúa chất lượng cao như OM 18 và Đài thơm 8.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Ngành chức năng khuyến cáo nông dân áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 187.539 ha/189.000ha, trong đó có hơn 6.000ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, nhiều nhất là bệnh muỗi hành, rầy nâu, rầy cánh trắng trong giai đoạn lúa hơn 1 tháng tuổi và trên lúa giai đoạn đẻ nhánh-làm đòng, với tỷ lệ bệnh chiếm từ 20-40%.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, tình hình lúa Đông Xuân bị nhiễm nhiều nhất là muỗi hành với hơn 1.400ha; lúa bị nhiễm rầy nâu hơn 1.200ha, trong đó diện tích bị nhiễm nặng hơn 50ha.

Đặc biệt, năm nay, loại rầy cánh trắng đang phát triển mạnh trên trà lúa hơn 1 tháng tuổi, chủ yếu là rầy cánh trắng tấn công trên lúa chất lượng cao như OM 18 và Đài thơm 8.

Theo anh Nguyễn Thành Mười, ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, việc xuất hiện rầy cánh trắng đang gây nguy hại trên cánh đồng xã Tân Mỹ và Tân Phú của huyện Thanh Bình và tấn công trên trà lúa hơn 1 tháng tuổi, nhất là giống lúa OM 18.

Anh Mười cho biết loại rầy này chưa có thuốc đặc trị và bà con nơi đây đi tìm hiểu nhiều nơi để tìm biện pháp cứu chữa nhưng chưa có kết quả.

Tình trạng bệnh muỗi hành trên trà lúa Đông Xuân vẫn xuất hiện, diện tích nhiễm 1.409ha, trong đó diện tích nhiễm trung bình 420ha, còn lại diện tích nhiễm nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh-làm đòng, với tỷ lệ bệnh 20-40%.

Sâu non muỗi hành (hay còn gọi là sâu năn) di chuyển lên phần giữa của bẹ và thân, rồi xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng, tại đây sâu cắn phá, gây hại và thải ra chất độc có trong nước miếng làm gốc bẹ lúa phồng to, bên trong rỗng, sau đó đọt lúa phát triển bất thường thành ống như lá hành có màu trắng nhạt, rộng khoảng 1cm, dài 10-30cm, đầu ống hành được bịt kín do mô lá tạo thành. Ống hành xuất hiện khoảng một tuần sau khi muỗi xâm nhập.

Triệu chứng lúa do muỗi hành gây hại giống như lúa bị hạn, bệnh do virus (bệnh vàng lùn, bệnh Tungro). Muỗi hành chỉ gây hại từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh, trước khi có đòng.

Trước tình trạng nhiễm sâu bệnh trên lúa Đông Xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cảnh báo và hướng dẫn một số giải pháp phòng trừ.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50-100% DAP + 50% Kali trước khi làm đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPHM), quản lý nước hợp lý, sử dụng chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ..., giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.

Đồng thời, ngành chức năng khuyến cáo nông dân làm lúa Đông Xuân không phun thuốc trừ sâu phổ rộng sớm ở giai đoạn đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch; thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm sinh vật gây hại bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá… để có biện pháp quản lý và chăm sóc kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa.

Nông dân có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn trỗ lẹt xẹt và trỗ đều; tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục