Đồng Tháp nâng cao chất lượng xoài, mở rộng thị trường xuất khẩu

Hiện Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng xoài để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927ha; 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988ha.
Đồng Tháp nâng cao chất lượng xoài, mở rộng thị trường xuất khẩu ảnh 1Lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương trọng điểm về sản xuất cây ăn quả, trong đó diện tích trồng xoài của tỉnh đạt gần 13.000ha, sản lượng đạt gần 113.000 tấn/năm.

Diện tích xoài được nâng cao chất lượng để xuất khẩu bằng phương pháp trồng theo chuẩn VietGAP là hơn 353ha, GlobalGAP là 55ha. Xoài được trồng rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.

Hiện Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927ha; 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988ha.

Tỉnh Đồng Tháp có 2 nhóm giống xoài: giống xoài địa phương như xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc và giống xoài nhập nội như xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài tượng da xanh.

Tuy nhiên, giống xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc chiếm phần lớn diện tích xoài. Trong thời gian qua, giống xoài Đài Loan, xoài tượng da xanh cũng được nhiều nhà vườn quan tâm, đầu tư phát triển diện tích vì dễ trồng, dễ đậu trái, năng suất cao.

Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 54% diện tích xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc chiếm 16%, còn 30% là các giống xoài nhập nội.

Đặc biệt, nhờ nâng cao chất lượng mà vùng trồng xoài ở Đồng Tháp đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Mới đây, tỉnh Đồng Tháp xuất lô xoài đầu tiên vào ngày 19/2 sang thị trường châu Âu (Hà Lan), với số lượng 3 tấn xoài cát chu. Đa số xoài xuất khẩu đều đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài của Đất Sen hồng.

Trước đó, năm 2019, tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên là xoài cát Hòa Lộc, cát chu, tượng da xanh sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không. Toàn bộ xoài do doanh nghiệp thu mua từ Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.

Toàn bộ số xoài được lựa chọn kỹ lưỡng và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu quản lý vùng trồng xoài hơn 175ha đã được cấp mã code. Công ty đã liên kết Hợp tác xã xoài Mỹ Xương với diện tích 81ha.

Ông Võ Việt Hưng, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh - điển hình trồng xoài chất lượng cao để xuất khẩu - đã nâng cao chất lượng trái xoài theo tiêu chuẩn GAP. Việc bao trái và trồng rải vụ được ông thực hiện đã tạo ra trái xoài chất lượng cao, ngăn chặn được côn trùng xâm nhập.

Bao trái hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5-7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20-30%.

Theo tính toán, xoài bao trái hiện nay cho lãi từ 200-220 triệu đồng/ha, cao hơn xoài không bao trái từ 50-80 triệu đồng/ha.

Những năm qua xoài trồng theo hợp đồng xuất khẩu của ông Hưng được tiêu thụ ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand... Bình quân mỗi kg xoài xuất khẩu giá cao hơn xoài bình thường từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg.

Tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất xoài rải vụ, bao trái, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP.

[Đồng Tháp công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm sang thị trường châu Âu]

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh có 321 hộ, với diện tích 215ha xoài được cấp mã vùng trồng. Nhiều năm qua, cùng với một số đơn vị khác, xoài của Hợp tác xã Tịnh Thới đã được xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc…

Tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch giúp giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng trái xoài thông qua việc xây dựng mô hình "Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài" đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng Tháp nâng cao chất lượng xoài, mở rộng thị trường xuất khẩu ảnh 2Vùng trồng xoài ở thành phố Cao Lãnh. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Toàn bộ dây chuyền hiện được máy móc đảm nhận, giúp tiết kiệm nhân công và giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt. Nhờ đó, trái xoài bảo quản được trên 30 ngày, có thể xuất khẩu sang thị trường xa như Hoa Kỳ, Australia, Nga, Hàn Quốc... bằng đường biển, giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của xoài Việt Nam.

Để sản xuất xoài chất lượng xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn với hơn 10 doanh nghiệp như Công ty Long Uyên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Good Life, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm Việt Đức... Diện tích trông xoài liên kết đạt hơn 1.073ha.

Ngoài ra, chợ đầu mối trái cây ở Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh còn có 75 điểm thu mua nông sản vừa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cây xoài ở Đồng Tháp cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa khoảng 10 lần. Ngành hàng xoài Đồng Tháp đã áp dụng rộng rãi hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giúp tăng thu nhập so với lối canh tác truyền thống trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục