Đồng Tháp yêu cầu “nới lỏng đến đâu, kiểm soát chặt chẽ đến đó"

Đồng Tháp xác định trong quá trình thực hiện giãn cách, tùy theo tình hình kiểm soát dịch ở từng địa phương, kịp thời điều chỉnh mức độ phù hợp; nới lỏng đến đâu, quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến đó.
Đồng Tháp yêu cầu “nới lỏng đến đâu, kiểm soát chặt chẽ đến đó" ảnh 1Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng  vừa thông báo nội dung quán triệt Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới tại hội nghị giao ban về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tối 15/9.

Một trong những yêu cầu trọng tâm là “nới lỏng đến đâu, quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến đó.”

Nới lỏng đến đâu, quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến đó

Theo thông tin tại hội nghị, từ 0 giờ ngày 16/9, Đồng Tháp tiến hành nới lỏng giãn cách xã hội đối với 8/12 huyện, thành phố trên địa bàn.

Như vậy, thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình sẽ thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, có áp dụng một số quy định ở mức cao hơn, đến hết ngày 30/9/2021.

Thành phố Sa Đéc và các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho đến khi kiểm soát được tình hình dịch COVID-19.

Quán triệt Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng cho biết, thông báo kết luận nêu rõ 3 mục tiêu cần tổ chức thực hiện có hiệu quả là kiểm soát được dịch COVID-19; thích ứng, khôi phục hoạt động sản xuất và giảm tối đa số ca tử vong.

Để làm được điều này, các cấp, các ngành cần tăng cường nắm bắt tình hình, dư luận trong nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tối đa sự đồng thuận, tham gia của người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất.

Triển khai, quán triệt, kịp thời cập nhật các quan điểm, tinh thần, chỉ đạo, hướng dẫn mới trong công tác phòng, chống dịch. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn; chấn chỉnh nhanh các hạn chế, thiếu sót ngay sau kiểm tra.

Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn triển khai hiệu quả tinh thần "mỗi xã, phường là một pháo đài," mỗi người dân là một "chiến sỹ" trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện tốt giãn cách xã hội, duy trì hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh, các khu vực giáp tỉnh bạn và các chốt, trạm nội tỉnh của các huyện, thành phố, chú trọng chốt kiểm soát chặt chẽ ở địa bàn các xã, khu vực có nguy cơ cao… để bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhanh chóng ban hành các quy định, hướng dẫn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong giai đoạn mới.

Đảm bảo yêu cầu cao nhất trong các hoạt động là an toàn sức khoẻ của người dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tầm soát, xét nghiệm để kịp thời phát hiện, sàng lọc triệt để các trường hợp F0 trong cộng đồng.

Đến ngày 30/9, 100% đại diện hộ gia đình được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.

[Đồng Tháp: 4 đơn vị cấp huyện tiếp tục giãn cách XH theo Chỉ thị 16]

Đảm bảo công tác xét nghiệm theo định kỳ tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, các cơ sở thu dung điều trị F0, các trường hợp về từ vùng dịch, F0 sau điều trị, F1 sau cách ly, các doanh nghiệp "4 tại chỗ," siêu thị, chợ, các nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Mặt khác, củng cố, chấn chỉnh hoạt động các khu cách ly, khắc phục tối đa việc lây nhiễm chéo; theo dõi, quản lý chặt chẽ các trường hợp F0 sau điều trị, F1 sau cách ly, F1 cách ly tại nhà.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng lưu ý, cần nâng cao chất lượng điều trị F0 ở tất cả các tầng điều trị.

Sắp xếp, bố trí trang, thiết bị y tế bảo đảm công tác điều trị ở các khu vực. Hoàn thành khu hồi sức tích cực quy mô 40 giường tại Bệnh viện Phổi.

Thường xuyên kết nối, hội chẩn trực tuyến để tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia y tế tuyến trên, kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, phải tổ chức các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn; triển khai "Túi thuốc an sinh" và các biện pháp hỗ trợ người dân tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Song song đó, tiếp tục tổ chức việc cung ứng, vận chuyển, tiếp nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, không gây ách tắc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn; chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người dân có hoàn cảnh khó khăn...

Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh cụ thể của từng địa phương, kịp thời điều chỉnh mức độ phù hợp; nới lỏng đến đâu thì quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến đó; đảm bảo đạt kết quả tốt nhất trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp nêu rõ.

Số ca nhiễm giảm sâu

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, so với 4 lần giãn cách xã hội trước đó, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 6-15/9, số ca nhiễm giảm rất sâu so với các giai đoạn trước, đặc biệt là số ca F0 trong cộng đồng giảm mạnh và đã có 5 huyện, thành phố hơn 14 ngày qua không có ca F0 trong cộng đồng và 12 ngày qua huyện Lấp Vò không có ca F0 trong cộng đồng.

Đây là một tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Cụ thể, trong giai đoạn này, toàn tỉnh Đồng Tháp đã xét nghiệm RT-PCR 69.909 mẫu cho 366.996 lượt người và test nhanh 56.982 mẫu cho gần 65 nghìn lượt người.

Kết quả khẳng định có 546 ca dương tính (trong đó, có 328 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 120 ca trong khu vực phong tỏa, 98 ca trong cộng đồng). Bình quân có gần 54,6 người/ngày.

Đồng Tháp yêu cầu “nới lỏng đến đâu, kiểm soát chặt chẽ đến đó" ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Cộng dồn đến 17 giờ ngày 15/9, tỉnh có 8.018 ca mắc COVID-19, trong đó 6.684 bệnh nhân đã được xuất viện, 188 trường hợp tử vong và Đồng Tháp đang điều trị cho 1.141 ca.

Toàn tỉnh hiện có 90 khu vực đang phong tỏa; có 106 “vùng xanh” do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và 1.060 “vùng xanh” do Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.

Về đánh giá và dự báo mức độ nguy cơ dịch COVID-19, Đồng Tháp có 8 xã dự báo “Nguy cơ rất cao;” 15 xã ở mức “Nguy cơ cao;” 22 xã “Nguy cơ” và 98 xã “Bình thường mới.”

Đến nay đã có 142 doanh nghiệp (công nghiệp) đã hoàn hành hồ sơ đăng ký và được Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt phương án “4 tại chỗ” với 17.591 công nhân.

Qua thời gian thực hiện Chỉ thị 16 giai đoạn 5 (từ ngày 6 - 15/9), theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đồng Tháp đã từng bước kiểm soát tốt hơn dịch COVID-19.

Công tác quản lý địa bàn chặt chẽ hơn, các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người dân được duy trì, đẩy mạnh với nhiều cách làm hiệu quả; số ca nhiễm giảm sâu, nhất là số ca F0 trong cộng đồng; tỷ lệ ca tử vong giảm nhẹ; hoạt động sản xuất từng bước được khôi phục, thích ứng với tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp duy trì sản xuất "4 tại chỗ," tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn phức tạp. Tỉnh chưa đạt được các tiêu chí đánh giá về khả năng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, số ca tử vong vẫn còn ở mức cao, số trường hợp F0 giảm nhưng chưa ổn định, còn phát sinh nhiều trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.

Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện ở các ngành, địa phương có lúc, có việc còn chủ quan, lơ là, thiếu chặt chẽ; vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa nắm chắc các quan điểm chỉ đạo, các quy định, hướng dẫn mới về phòng, chống dịch.

Trong khi đó, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có lúc chưa kịp thời cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh để hướng dẫn cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, một bộ phận người dân vẫn còn chấp hành chưa nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Chỉ trong 10 ngày (từ ngày 6 - 15/9), Đồng Tháp đã tiến hành xử phạt hành chính 514 trường hợp với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày 51 trường hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục