Dòng tiền tiếp tục "rình mồi" trong thị trường?

VN-Index liên tục xuyên thủng những ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh như mốc 600 điểm, ngay tiếp đó là ngưỡng 550 điểm.

Tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư đã chuyển từ thận trọng sang bất an và lo lắng. Một câu hỏi lớn đặt ra, về cơ bản nguồn tiền trong thị trường sẽ có những biến động dòng chảy như thế nào?


Sau phiên giao dịch 23/10 với những kỷ lục về giao dịch và giá trị được thiết lập, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng trên cả hai sàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đạt trên 200 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng lên trên 9.500 tỷ đồng... thì thị trường chứng khoán bất ngờ lao dốc.

VN-Index liên tục xuyên thủng những ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh như mốc 600 điểm, ngay tiếp đó là ngưỡng 550 điểm.

Tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư đã chuyển từ thận trọng sang bất an và lo lắng. Một câu hỏi lớn đặt ra, về cơ bản nguồn tiền trong thị trường sẽ có những biến động dòng chảy như thế nào?

Phóng viên Vietnamplus đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc khối phân tích đầu tư tại Công ty chứng khoán APEC về vấn đề trên.

Là một chuyên gia trên thị trường, theo ông sau những phiên giao dịch khủng hoảng như vừa qua thì "sức khoẻ" của dòng tiền hiện như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình: Sau khi thị trường lên đến đỉnh điểm tại tháng 10, dòng tiền vào chứng khoán cũng đạt mức kỷ lục. Một khối lượng tiền lớn đã đẩy thị trường lên cao, nhưng khi thị trường điều chỉnh thì dòng tiền này cũng có xu hướng suy yếu vì rủi ro đầu tư.

Sau phiên giao dịch kỷ lục ngày 23/10, nguồn tiền mua cổ phiếu có xu hướng yếu hẳn, khối lượng giao dịch sụt giảm. Do vậy, thị trường đang tìm điểm cân bằng mới trước khi quyết định xu hướng cho sóng tiếp theo. Theo tôi, khu vực 500 – 520 điểm có thể bị “thử thách” nếu dòng tiền tiếp tục suy yếu. Nhưng tại ngưỡng hỗ trợ này, nhiều cổ phiếu đã có thể mua vào để đầu tư giá trị nên cuộc đấu ở khu vực này (nếu có) sẽ khá giằng co.

Những yếu tố nào là tác nhân gây đến tình trạng yếu đi của dòng tiền?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình: Theo tôi có một số yếu tố, một là các nhà đầu tư lớn thấy mức độ lợi nhuận đang rất cao, vì vậy nhiều người đã thỏa mãn với lợi suất đó.

Hai là, khi thị trường xuống, dòng tiền đòn bẩy phải rút ra, thị trường càng xuống áp lực từ "repo" (cầm cố chứng khoán) càng mạnh để trả nợ. Hoạt động repo tạo cho sức mạnh dòng tiền trong thị trường, có thể tăng từ 1,5 đến 2 lần tài sản của nhà đầu tư.

Tuy nhiên đặc điểm của dòng tiền này chỉ mang tính chất đầu tư ngắn hạn, khi thị trường đảo chiều dòng tiền "repo" sẽ làm thị trường lao dốc nhanh hơn. Kinh nghiệm năm 2007-2008 đã cho chúng ta thấy diễn biến này.

Yếu tố thứ ba làm cho dòng tiền có xu hướng thắt chặt lại là do hoạt động tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang ở mức khá cao. Hiện nay, Chính phủ qua một số chính sách vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong đó tập trung vào sản xuất, xuất khẩu. Nhưng tại một vài khu vực tín dụng tăng trưởng nóng, có thể nhà nước muốn kiểm soát tín dụng một cách lành mạnh hơn. Theo tôi, chính sách này hoàn toàn chính xác và tốt cho toàn bộ nền kinh tế.

Yếu tố cuối cùng là tâm lý nhà đầu tư. Lúc thị trường tăng trưởng, nhà đầu tư rất hứng khởi, tới đâu cũng thấy đề cập tới chứng khoán và ưu tiên mọi nguồn lực cho chứng khoán. Nhưng thị trường đi xuống mọi người chuyển dần từ “tham lam” sang “thận trọng”, khi sự đi xuống thành quá đà thì hầu hết lại chuyển sang xu hướng “sợ hãi”.

Vậy theo ông xu thế tới đây của thị trường sẽ ra sao?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình: Hiện nay, dòng tiền ở lại trong chứng khoán vẫn còn rất nhiều. Mặc dù vừa qua thị trường đã có những biến động phức tạp, song chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Khi giá chứng khoán xuống tới những vùng thích hợp thì dòng tiền đang "mai phục" trên thị trường sẽ bung ra gom hàng.

Bao giờ thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn thì tôi tin chắc chứng khoán sẽ đi lên và xu thế đó sẽ được kiểm chứng ngay trong giai đoạn ngắn thôi, có thể là cuối tháng 11 này.

Về diễn biến thị trường, theo tôi, trong giai đoạn tới dòng tiền sẽ thận trọng hơn và cân bằng ở mức hợp lý hơn giai đoạn tháng 10/2009. Thị trường chứng khoán sẽ tìm đến một điểm cân bằng mới trong ngắn hạn và sau khi củng cố được lực cầu, lúc đó thị trường mới tiếp tục tích luỹ và đi lên về dài hạn. Kinh tế vĩ mô đang khởi sắc, về dài hạn chắc chắn chứng khoán sẽ đi lên./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục