Đồng tình để viên chức kinh doanh làm việc ngoài giờ

Thảo luận dự án Luật Viên chức, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình cho phép viên chức tham gia hoạt động kinh doanh làm việc ngoài giờ.
Sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viên chức.

Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật, các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) và một số ý kiến khác tán thành với quy định của dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập vì cho rằng, mặc dù cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm đối tượng này là về phương diện quản lý.

Đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động.

Vì thế, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này có nhiều điểm khác so với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo các loại hình doanh nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Do vậy, khó có thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

Không cùng quan điểm trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) và một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định trong dự thảo Luật cả viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, bởi vì họ cũng thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ tương tự như viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, nên cần điều chỉnh họ trong cùng một văn bản luật chung.

Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ quan điểm đồng tình cho phép viên chức tham gia hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ (Điều 12).

Trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng một cách tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội đồng thời cũng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 30 của Bộ luật Lao động, đó là “Người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động với một hoặc nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết.”

Các đại biểu cũng cho rằng để giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý, sử dụng viên chức hiện nay, nhất là tình trạng viên chức vì thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ mà làm giảm chất lượng cung cấp các dịch vụ công thì dự thảo Luật cần có cơ chế đánh giá, quản lý viên chức một cách có hiệu quả, bảo đảm để viên chức phải hoàn thành nhiệm vụ được giao cả về thời gian và chất lượng công việc cũng như có biện pháp xử lý đối với các viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Thảo luận về việc kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng nên có quy định này bởi nếu cho phép kéo dài thời gian làm việc thì có thể tận dụng kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao của viên chức.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức đến tuổi nghỉ hưu sẽ bảo đảm cho viên chức được ổn định về tâm lý, yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến.

Trên thực tế, nhiều viên chức có trình độ cao trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học đã được kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu.

Quy định này sẽ góp phần phát huy trí tuệ, năng lực của các nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, y tế... tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Đại biểu Thanh Hòa cho rằng để tránh tình trạng lạm quyền của người đứng đầu trong việc quyết định kéo dài thời gian làm việc, cần có quy định cụ thể, chặt chẽ điều kiện được phép kéo dài thời gian làm việc.

Về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (Chương IV) dự thảo Luật được xây dựng theo hướng đề cao vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Quan điểm này nhận được nhiều sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên các ý kiến vẫn còn băn khoăn việc giao quá nhiều quyền cho người đứng đầu, trong khi lại thiếu cơ chế kiểm tra, kiểm soát cũng như những điều kiện khác, có thể dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền hoặc thậm chí là cố ý làm trái để trục lợi.

Mặt khác, việc giao thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức cho đơn vị sự nghiệp đã hoàn toàn phù hợp với tất cả các loại hình đơn vị sự nghiệp hay chưa? Có cần phải phân loại các loại hình hay không? Chẳng hạn đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện công có thể có những cơ chế quản lý khác so với cơ sở nghiên cứu khoa học, báo chí...

Việc tiến hành phân cấp quá mạnh, giao quá nhiều quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập như trong dự thảo Luật đã phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn, trình độ quản lý của nhiều đơn vị hay không? Đây là vấn đề các đại biểu nêu lên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thận trọng để có giải pháp hợp lý.

Chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội họp phiên bế mạc tại Hội trường./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục