Dự báo những thách thức đối với thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, những nhà lãnh đạo Singapore thế hệ thứ tư có rất nhiều việc cần phải làm để duy trì sự ổn định đất nước và đối phó với những thách thức đến từ bên ngoài.
Dự báo những thách thức đối với thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat. (Nguồn: Bloomberg)

Phóng viên TTXVN tại Singapore tổng hợp báo chí, tình hình tại địa bàn liên quan đến những thách thức đối với thế hệ lãnh đạo thứ tư của nước này.

Nội dung như sau:

Vào thời điểm này năm ngoái, ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Song ở thời điểm hiện tại, mọi dấu hiệu đều cho thấy Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, người vừa mới được bổ nhiệm làm Trợ lý thứ nhất của Tổng thư ký đảng Hành động Nhân dân (PAP), vị trí mở đường cho ông đảm nhận chức vụ Thủ tướng Singapore trong cuộc bầu cử sắp tới dự kiến diễn ra vào năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Heng và Bộ trưởng công nghiệp Chan Chun Sing, người được bổ nhiệm giữ chức trợ lý thứ hai Tổng thư ký đảng PAP, chuẩn bị nắm quyền điều hành đất nước, cùng các lãnh đạo thế hệ thứ 4 khác sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ trong và ngoài nước.

Những thách thức đó bao gồm lôi kéo được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới cũng như đối phó hiệu quả với các thách thức đến từ môi trường bên ngoài đang ngày càng bị chi phối bởi căng thẳng gia tăng.

Mặc dù Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn sẽ lãnh đạo PAP trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến tổ chức vào tháng 4/2021, thì người dân Singapore vẫn sẽ chứng kiến thế hệ lãnh đạo thứ tư đóng vai trò lớn hơn trong đời sống chính trị Singapore. Điều đó có nghĩa đảng PAP và các thành viên chủ chốt sẽ có một lịch trình bận rộn với các kế hoạch, chính sách, cương lĩnh tranh cử, vận động cử tri...

Tuy thời gian qua, PAP đã đạt được một số tiến triển trong các lĩnh vực như nhà ở, giao thông và chăm sóc sức khỏe, song giai đoạn bầu cử sắp tới có thể được tăng nhiệt bởi các cuộc tranh luận về các vấn đề nóng như bất bình đẳng trong thu nhập, biến đổi xã hội và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Để duy trì được sự tín nhiệm của người dân đối với PAP trong nhiệm kỳ 5 năm tới, thế hệ lãnh đạo thứ 4 sẽ phải thuyết phục người dân Singapore rằng những mối quan tâm trên là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Bên cạnh đó, một vấn đề dường như sẽ gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian tới là kế hoạch tăng thuế tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ (GST) từ 7% lên 9%, mặc dù sự thay đổi này chỉ diễn ra từ năm 2021 đến năm 2025.

Tuy nhiên, vấn đề nóng nhất đối với Singapore trong thời gian tới là nhu cầu về chi tiêu xã hội sẽ tăng lên bởi sự già hóa dân số của đất nước. Do đó, chính phủ sẽ phải đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc cung cấp tài chính cho những người cần sự giúp đỡ trong khi không đánh thuế quá cao để tránh sự phản đối của công chúng.

[Singapore: Nhiều giải pháp, ứng dụng mới xây đô thị thông minh]

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, chính phủ dự định chi hàng tỷ đôla Singapore cho gói y tế “thế hệ Merdeka” nhằm giúp nửa triệu người dân Singapore chi trả cho các dịch vụ y tế thiết yếu.

Vấn đề thứ ba mà chính phủ Singapore sẽ phải đối mặt là quản lý việc gián đoạn công nghệ. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công việc truyền thống trở nên lỗi thời. Do vậy, thế hệ lãnh đạo mới cần phải nỗ lực để giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp và chuyển giao công nghệ một cách suôn sẻ.

Và cuối cùng, không thể không nói đến thách thức đến từ sự đoàn kết trong nội bộ đảng PAP khi diễn ra chuyển giao quyền lực. Việc thay đổi lãnh đạo trong các chính đảng thường không mấy suôn sẻ, cho dù ở các nước láng giềng hay các nước khác trên thế giới. Như trường hợp gần đây tại Australia, Anh và Đức cho thấy việc tranh giành, vận động hành lang và huy động các phe phái để giành phiếu bầu nhằm đạt kết quả tốt trong bầu cử thường xuyên diễn ra.

Không có lý do gì để khẳng định rằng PAP - vốn đã gắn kết trong hầu hết 59 năm nắm quyền - không phải đối mặt với sự chia rẽ như vậy trong tương lai. PAP đã bị chia tách trong quá khứ, đáng chú ý là vào năm 1961 khi mà các thành viên cánh tả ly khai để thành lập đảng cộng sản Barisan Socialis.

Đối mặt với những thách thức từ bên ngoài, thế hệ lãnh đạo thứ 4 cũng phải lèo lái đất nước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện đang tăng trưởng chậm và chủ nghĩa bảo hộ cũng như chủ nghĩa kinh tế quốc gia đang nổi lên trên toàn thế giới.

Theo một số chuyên gia, cuộc chiến tranh thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà sẽ có nhiều quốc gia khác tham gia. Trong khi Trung Quốc đang ngày càng thể hiện vai trò thách thức của mình tại khu vực thì những cam kết của Mỹ đối với khu vực vẫn chưa chắc chắn.

Rõ ràng, hiện nay cạnh tranh kinh tế và chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã đe dọa đến nhiều quốc gia khu vực và thế giới, trong đó có Singapore, một quốc gia luôn luôn mong muốn bảo vệ tự do thương mại, mở cửa với các hệ thống thương mại đa phương bởi đó chính là động lực tăng trưởng kinh tế cho quốc đảo này.

Bên cạnh đó, các vấn đề quốc tế khác như "bóng ma Brexit" cũng như những tranh chấp giữa Singapore và Malaysia liên quan đến không phận, lãnh hải và tăng giá nước thời gian gần đây cũng đe dọa phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Singapore và nước láng giềng, đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Do vậy, trong thời gian tới, những nhà lãnh đạo Singapore thế hệ thứ tư có rất nhiều việc cần phải làm để duy trì sự ổn định đất nước và đối phó với những thách thức đến từ bên ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục