Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong 5 mũi nhọn chính để phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng.
Vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ngành du lịch Đà Nẵng đang từng bước khôi phục lại các hoạt động du lịch để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế” trong đại dịch COVID-19.
Du lịch thiệt hại nặng do dịch COVID-19 bùng phát
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết từ tháng 2/2020, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, du lịch thành phố Đà Nẵng đã sụt giảm mạnh về lượng khách và nhiều thị trường trọng điểm gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch.
Dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động du lịch. Ngày 28/7/2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, cùng với chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng về thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh; chỉ còn 38 khách sạn phục vụ y, bác sỹ, người nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, khoảng 87 cơ sở lưu trú du lịch phục vụ khách dài hạn, khách công tác.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán, chiếm khoảng 24% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, hoạt động kinh doanh du lịch tại thành phố chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn, một số đơn vị tạm dừng hoạt động.
Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố Đà Nẵng khoảng 26.000 tỷ đồng; trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng; tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.
Số lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng giảm mạnh, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3%; khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8%.
Từng bước phục hồi du lịch trong đại dịch
Từ khi đợt dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 được kiểm soát, ngành du lịch Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch truyền thông, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin, trang mạng về các điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo, nổi bật thông qua chiến dịch "See you in Da Nang," đồng thời thực hiện chương trình kích cầu du lịch "Da Nang Thank you”… Các chương trình đã góp phần giúp ngành du lịch Đà Nẵng nhanh chóng khởi động trở lại, thu hút đông đảo khách đến tham quan du lịch sau dịch.
Trước bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 7/2020 với diễn biến phức tạp ngay tại thành phố, ngành du lịch Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đóng cửa, ngừng hoạt động.
Sau hơn 1 tháng phòng, chống dịch, đến ngày 13/9, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW đề ra quan điểm, chủ trương quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép," vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, vừa có biện pháp thích ứng “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
[Xử phạt đối tượng đăng danh sách người đi du lịch Đà Nẵng lên Facebook]
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình khẳng định ngành du lịch Đà Nẵng xác định việc tái khởi động các hoạt động du lịch phải phù hợp với tình hình thực tế của diễn biến dịch, trong bối cảnh mới và thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế."
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ hiện nay, tâm lý e ngại lây nhiễm dịch bệnh của du khách vẫn là rào cản lớn ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát lần thứ hai. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành du lịch Đà Nẵng, đòi hỏi sự thận trọng trong việc đưa ra các chương trình, kế hoạch kích cầu du lịch trong thời gian tới.
Nhằm khắc phục tâm lý e ngại này của du khách và khôi phục hoạt động du lịch trở lại, Sở Du lịch sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; xây dựng các kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, định hướng tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa khai thác kinh doanh hiệu quả; đưa ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch đang thay đổi sau đợt dịch.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, đủ khả năng chăm sóc sức khỏe, y tế cho du khách, nhất là điều trị dịch bệnh cho cộng đồng thông qua các bài viết, hình ảnh, video chia sẻ trên các kênh truyền thông, trên Website danangfantasticity.com, fanpage Danang FantasticCity, Instagram, Klook.com… nhằm lan tỏa thông điệp “Đà Nẵng rất đẹp, đã an toàn và sẵn sàng chào đón các bạn” để tạo niềm cảm hứng khám phá của du khách sau khi hết dịch.
Cùng với đó, Sở Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa.
Sở cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, đăng cai tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp xúc tiến du lịch trở lại. Đồng thời, nghiên cứu triển khai giải pháp công nghệ du lịch thông minh (Công nghệ thực tế ảo VR360), triển khai chương trình du lịch trực tuyến để đưa vào phục vụ du khách hiện đang là xu hướng của thế giới hiện nay…
Sở Du lịch Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá trên các kênh truyền thông của Sở và phối hợp với doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động ngoại giao... để quảng bá du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch trong nước, quốc tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, với nhiều giải pháp do Sở Du lịch đề ra và sự phối hợp giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp làm du lịch, kinh doanh dịch vụ thì ngành du lịch thành phố sẽ phục hồi trong thời gian sớm nhất.
Sở Du lịch Đà Nẵng xây dựng và ban hành triển khai Bộ Chỉ số an toàn trong lĩnh vực du lịch, tập huấn quy trình đón khách du lịch đảm bảo an toàn phòng chống, dịch COVID-19 để khách du lịch yên tâm khi lựa chọn điểm đến an toàn là thành phố biển Đà Nẵng.
Trong hơn 1 tháng qua, Đà Nẵng là tâm dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động và đã chuyển qua hỗ trợ miễn phí hàng trăm chuyến xe ôtô vận tải, vận chuyển lương thực thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, vận chuyển người bệnh và nấu hàng trăm nghìn suất cơm, trao tặng nhiều trang thiết bị y tế và hàng tỷ đồng để hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, qua đó, góp phần chung tay hỗ trợ cùng chính quyền thành phố Đà Nẵng làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đến ngày 13/9, các hoạt động dịch vụ lữ hành, khu, điểm du lịch và các hoạt động dịch vụ du lịch khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch cho đến khi có thông báo mới.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đã được phép đón, phục vụ khách trở lại kể từ 0 giờ ngày 5/9/2020 nhưng cơ sở lưu trú chỉ được kinh doanh dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn uống tại phòng cho khách; tất cả các loại hình dịch vụ khác tại cơ sở tiếp tục tạm dừng.
Các phương tiện vận tải đã được hoạt động trở lại nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định trong tình hình mới./.