Trong bối cảnh cháy rừng nghiêm trọng, nhiệt độ tăng lên tới 40 độ C, nhiều khách du lịch lựa chọn ở nhà để tránh rủi ro thiên tai. Những điểm đến vốn thu hút đông du khách ở Địa Trung Hải hiện là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tại Hy Lạp, những ngày gần đây, hàng nghìn du khách đã phải sơ tán khỏi các đảo Rhodes và Corfu do nắng nóng kéo theo các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Sân bay quốc tế Rhodes trở thành khu cắm trại bất đắc dĩ của du khách.
Nắng nóng cũng đang ảnh hưởng đến nhiều nước khác quanh Địa Trung Hải. Tây Ban Nha ghi nhận nền nhiệt cao hơn 15 độ C so với mức thông thường trong mùa Hè.
Tại Italy, người dân cũng đang lao đao vì nắng nóng khi nhiệt độ trên đảo Sardinia xấp xỉ 48 độ C, trong khi người dân ở thủ đô Tunis của Tunisia hứng chịu mức nhiệt lên tới 49 độ C trong ngày 24/7.
Trong khi đó, du lịch vốn được coi là một trong những "trụ cột" của kinh tế khu vực này. Thống kê cho thấy ngành công nghiệp không khói này chiếm gần 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp và 12% GDP của Tây Ban Nha.
Ông Jean-François Rial, Giám đốc Công ty du lịch Voyageurs du Monde (Pháp), cho rằng Trái Đất ấm lên khiến một số điểm đến vắng khách du lịch hơn.
Toàn bộ khu vực Địa Trung Hải đều đáng lo ngại do đây là điểm đến chính của du khách châu Âu.
[Nhiệt độ tiếp tục tăng, Italy và Hy Lạp chật vật ứng phó cháy rừng]
Hãng Moody’s mới đây nhận định về lâu dài nắng nóng có thể làm giảm sức hút của khu vực Nam Âu đối với khách du lịch, hoặc ít nhất làm giảm nhu cầu trong mùa Hè, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế, do ngành du lịch đóng vai trò quan trọng.
Có một điểm mà các chuyên gia đều nhất trí, đó là ngành du lịch ở Địa Trung Hải phải chuyển đổi để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hamit Kuk, cho rằng nắng nóng không phải là vấn đề quan trọng đối với ngành du lịch bởi nhiều tín đồ du lịch châu Âu thích tận hưởng ánh nắng Mặt Trời.
Bằng chứng là nhiều du khách vẫn đến Ai Cập và Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), dù nhiệt độ tại các nơi này lên tới 45 độ C trong tháng Bảy, tháng Tám.
Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Liên đoàn khách sạn Tunisia Dora Miled, cho biết cho đến nay, nắng nóng chưa ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Nếu du lịch chưa trở lại mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thì nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đi lại bằng đường hàng không cao.
Ngay cả ở Hy Lạp, cháy rừng chưa chắc cản bước được du khách. Theo ông Kostas Chryssohoides, một quan chức phụ trách nhóm đảo trên Biển Aegea, Đông Nam Hy Lạp, trong đó có cả đảo Rhodes, chỉ trong hai ngày 23 và 24/7, đã có tới 24.000 du khách đến đảo Rhodes, bất chấp cháy rừng. Chỉ một số ít du khách hủy lịch.
Theo giới chuyên gia, lượng du khách đến Địa Trung Hải vẫn có thể tăng, nhưng vào các mùa khác không phải mùa Hè, do nhu cầu du lịch của những người nghỉ hưu tăng.
Do đó, cần có chiến lược thu hút du khách vào các mùa khác trong năm. Đây có thể cũng là cơ hội để giảm thiểu tình trạng quá tải thường tập trung vào mùa cao điểm và duy trì lượng khách ổn định trong cả năm./.