Du lịch sông nước Bến Tre-Trà Vinh: ‘Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau'

Đó là cách mà hai tỉnh sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long đã chọn để đồng hành cùng nhau trên con đường tìm hướng đi khác biệt cho những sản phẩm du lịch thời gian tới, tạo sức hấp dẫn du khách.
Khách du lịch thưởng thức các món ăn chế biến từ bưởi ở Cồn Hô, Trà Vinh. (Nguồn: dulichtravinh.com.vn)
Khách du lịch thưởng thức các món ăn chế biến từ bưởi ở Cồn Hô, Trà Vinh. (Nguồn: dulichtravinh.com.vn)

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” là câu nói trong triết lý kinh doanh, kết quả được đúc kết cho sự thành công từ sức mạnh của tập thể. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên Bến Tre và Trà Vinh lại chọn cách kết nối vô cùng đặc biệt mang tên sông nước hữu tình để gắn kết sản phẩm hai địa phương, mà đây là đúc kết từ một hành trình, một trải nghiệm vô cùng phong phú, không trùng lặp, tạo ra nét riêng về văn hóa rất đặc sắc của 2 tỉnh.”

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Đức, tại Hội nghị xúc tiến quảng bá Du lịch Bến Tre-Trà Vinh với chủ đề “Kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình, thuộc khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế – VITM Hà Nội 2020 vừa diễn ra chiều 19/11.

Kết nối tuyến du lịch sông nước

Chương trình "Kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình" được tổ chức với mong muốn giới thiệu hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch, nét văn hóa truyền thống của hai địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch dựa trên tiền đề khai thác và sử dụng tài nguyên bản địa, qua đó tăng cường kết nối tour, tuyến điểm, hợp tác xúc tiến đầu tư-thương mại dịch vụ du lịch.

Hoạt động này còn nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa Bến Tre-Trà Vinh với các doanh nghiệp du lịch trên cả nước, đặc biệt là hợp tác doanh nghiệp du lịch Hà Nội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch của hai tỉnh nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Du lịch sông nước Bến Tre-Trà Vinh: ‘Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau' ảnh 1Những dòng kênh uốn lượn giữa bạt ngàn rừng dừa là đặc trưng của sông nước miền Tây. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

“Chương trình quảng bá du lịch của chúng tôi không chỉ là sự kết nối phát triển du lịch bền vững giữa hai tỉnh Bến Tre-Trà Vinh mà đây chính là điểm đến mới cho các tỉnh phía Bắc, là thị trường du lịch nội địa quan trọng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới. Do đó, chúng tôi mong muốn được chia sẻ thông tin để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục đưa khách về với chúng tôi,” Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, ông Dương Hoàng Sum nhấn mạnh.

[VITM 2020: Lữ hành 'làm ấm' du lịch nội địa bằng nhiều tour hấp dẫn]

Bến Tre-Trà Vinh là hai tỉnh cùng nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, nối liền nhau nhờ cây cầu Cổ Chiên và cùng tiếp giáp với biển Đông. Vị trí giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy.

Cách Thành phố Hồ Chí Minh 80km về hướng Tây, qua Long An, Tiền Giang là tỉnh Bến Tre – nơi phát triển du lịch dựa vào lợi thế sinh thái sông nước xứ dừa gắn với truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Tiếp nối Bến Tre về hướng biển Đông khoảng hơn 40km là thành phố Trà Vinh, vùng đất đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, là nơi gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống.

Du lịch sông nước Bến Tre-Trà Vinh: ‘Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau' ảnh 2Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Đức phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: CTV)

Tạo dấu ấn khác biệt để hút khách

Với những tiềm năng lợi thế đó, tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đến từ Trà Vinh và Bến Tre đã giới thiệu nhiều gói kích cầu du lịch hấp dẫn là kết hợp giữa 2 tỉnh, thành phố trong thời gian tới cũng như lắng nghe những đóng góp trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch của các đơn vị lữ hành khu vực phía Bắc.

Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội chia sẻ luôn mong muốn tìm ra những sản phẩm đặc biệt hơn nữa để xây dựng các tour du lịch ngày càng hấp dẫn. Bởi giờ đây, thói quen đi du lịch của du khách hay thay đổi.

“Việc lồng ghép các chương trình tour gắn với các sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ mang đến những trải nghiệm khác biệt cho du khách. Do đó chúng tôi hy vọng tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa vào các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhấn mạnh vào các tiết mục biểu diễn và lễ hội đặc sắc của địa phương để tạo dấu ấn khác biệt với du khách,” vị giám đốc này chia sẻ.

Về việc hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh cùng bắt tay xúc tiến, quảng bá du lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng trên nền tảng các sản phẩm tương đồng hai tỉnh cần quan tâm phát triển thêm các sản phẩm du lịch vui chơi, mua sắm, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE để tăng tỷ trọng chi tiêu của khách đối với các dịch vụ ngoài tour.

Du lịch sông nước Bến Tre-Trà Vinh: ‘Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau' ảnh 3Văn hóa nghệ thuật hai tỉnh Trà Vinh-Bến Tre được giới thiệu tại Hà Nội. (Ảnh: CTV)

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng bày tỏ kỳ vọng với lợi thế sẵn có cùng quyết tâm của lãnh đạo hai tỉnh và sự nhập cuộc của doanh nghiệp, hai địa phương chắc chắn sẽ là những điểm đến an toàn và hấp dẫn, phù hợp với xu thế du lịch của khách trong bối cảnh hiện nay.

“Tổng cục Du lịch cam kết sẽ luôn đồng hành và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong kết nối, đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và tiếp tục những bước tiếp theo chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất,” ông Ngô Hoài Chung khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục